Theo đó, nghị quyết của ĐHĐ LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực thông qua các hành động phối hợp gồm cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết kêu gọi thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, cởi mở, không phân biệt đối xử và bình đẳng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), coi an ninh lương thực toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và hỗ trợ các nỗ lực đa phương tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ và các bên liên quan duy trì chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm, hỗ trợ nông dân thúc đẩy các mô hình sản xuất và chăn nuôi bền vững, đồng thời hạn chế tích trữ lương thực và hàng hóa.
Nghị quyết kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế tìm ra các giải pháp khẩn cấp, hợp lý và kịp thời để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước vay nợ nhiều nhất, ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, thông qua tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp xóa nợ, ưu đãi tài chính và các khoản viện trợ không hoàn lại.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, LHQ, các tổ chức nhân đạo và phát triển và các tổ chức liên quan khác khẩn trương ứng phó, ngăn chặn và chuẩn bị cho tình huống mất an ninh lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến hàng triệu người. Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên lưu ý lời kêu gọi về viện trợ nhân đạo khẩn cấp của LHQ nhằm hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với xung đột vũ trang, hạn hán và nạn đói.