Phiên họp sẽ diễn ra trong ngày 28/2 và tất cả 193 thành viên của LHQ đều có cơ hội bày tỏ quan điểm đối với cuộc xung đột Nga- Ukraine hiện nay.
Nga đã bỏ phiếu chống, song theo quy định của LHQ, Moskva không có quyền phủ quyết đối với nghị quyết triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng.
Cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất sẽ có sự tham dự của nhiều quan chức lãnh đạo đại diện cho các cơ quan cứu trợ nhân đạo và tị nạn của LHQ. Pháp - một trong 5 quốc gia giữ vị trí Ủy viên thường trực HĐBA - đã đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp này.
Theo ước tính của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 120.000 người phải di tản sang các nước láng giềng trong tuần qua. Họ chủ yếu di chuyển tới Ba Lan, ngoài ra còn có các điểm đến khác là Moldova, Romania, Hungary và Slovakia.
Trước đó, trong ngày 25/2, Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn thông qua nghị quyết của HĐBA về động thái quân sự của Nga ở Ukraine.
Việc nghị quyết về Ukraine không được thông qua tại HĐBA khiến các nước ủng hộ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng về một biện pháp tương tự tại Đại Hội đồng LHQ. Không có quyền phủ quyết tại Đại Hội đồng gồm 193 nước thành viên này.