Một báo cáo của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh chưa có quốc gia nào tính toán toàn diện về quá khứ và giải quyết hậu quả để lại từ tình trạng nô lệ liên quan khoảng 25 triệu-30 triệu người gốc Phi trong hơn 400 năm.
Báo cáo nêu rõ theo luật nhân quyền quốc tế, việc bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào có thể đánh giá được về mặt kinh tế, phù hợp và tương ứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và tùy từng trường hợp, đều có thể xác định là hình thức đền bù. Đối với những sai lầm mang tính lịch sử và những tổn hại là hệ quả của chủ nghĩa thực dân và nô lệ, việc đánh giá thiệt hại kinh tế có thể vô cùng khó khăn do thời gian trôi qua đã lâu đồng thời khó xác định thủ phạm và nạn nhân. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng khó khăn trong việc thực hiện bồi thường "không thể là cơ sở để phủ nhận sự tồn tại của các nghĩa vụ pháp lý cơ bản".
Trong phần kết luận, báo cáo khuyến nghị các quốc gia nên cân nhắc nhiều biện pháp để giải quyết những hệ quả của chế độ nô lệ và thực dân, trong đó có việc theo đuổi công lý, bồi thường và thúc đẩy hòa giải.
Ý tưởng bồi thường liên quan chế độ nô lệ đã có từ lâu nhưng gần đây mới phát triển mạnh trên toàn thế giới trong bối cảnh các yêu cầu bồi thường tại châu Phi và các nước Caribe ngày càng tăng.
Tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng quá khứ buôn bán nô lệ của châu lục này đã gây "đau khổ khôn xiết" cho hàng triệu người, theo đó ngụ ý cần phải bồi thường vì "tội ác chống lại loài người" đó.