LHQ tiếp tục siết chặt hoạt động vì thiếu ngân sách

Trong buổi đàm phán về vấn đề giải trừ quân bị tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sỹ) hồi tháng 11, chuông báo động đã vang lên để nhắc nhở các đại biểu đã vi phạm quy tắc cắt giảm chi phí mới trong việc hạn chế thời gian họp.

Chú thích ảnh
Trong một cuộc họp tại trụ sở Liên hợp quốc, màn hình và micro đã bị tắt khiến các đại sứ khi phát biểu phải hét to. Ảnh: Reuters

Theo một đại biểu giấu tên tham gia cuộc họp, màn hình và micro trong hội trường đã bị tắt khiến các đại sứ khi phát biểu phải hét to. Sự kiện trở nên “hỗn loạn, khó hiểu và ồn ào”. Nhiều người lo lắng đèn cũng sẽ tiếp tục bị tắt.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết sự cố gián đoạn từng xảy ra ít nhất 2 lần này là kết quả của các biện pháp khẩn cấp nhằm cắt giảm chi phí cho các trụ sở LHQ tại Geneva (Thụy Sỹ) và New York (Mỹ).

Các biện pháp cắt giảm chi phí hiện đã kéo dài sang tháng thứ 3. Đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt ngân sách mà Tổng thư ký Antonio Guterres miêu tả là “rất đáng báo động”. Trong một phiên họp tháng 9, ông đã đề cập đến việc hoãn các cuộc gặp và hội nghị, cắt giảm dịch vụ, hạn chế chuyến đi chính thức và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí.

Chú thích ảnh
Tầng 3 của trụ sở Liên Hợp quốc tại Geneva bị tắt đèn. Ảnh: Reuters

Năm 2019, LHQ bị thâm hụt 7 triệu USD trong ngân sách chung 2,85 tỷ USD vì 51 quốc gia thành viên chưa góp quĩ đủ, trong đó có Mỹ và Brazil. Cả 2 quốc gia này đều nói rằng họ sẽ đóng các khoản quĩ, song ngay cả khi trả hết, khoản nợ vẫn còn âm từ những năm trước và lan sang ngân sách của năm tiếp theo. “Tình trạng thâm hụt ngân sách xảy ra vào đầu năm, có thể sẽ kéo dài lâu hơn và ảnh hưởng sâu rộng hơn”, ông Guterres nói.

Các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng ngân sách đang phơi bày sự thiếu trách nhiệm của một số quốc gia trong ngoại giao đa phương. Bằng chứng là việc đình chỉ tòa phúc thẩm hàng đầu của Tổ chức Thương mại Thế giới có trụ sở tại Geneva và các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Madrid vào tuần trước chỉ đạt được kết quả hạn chế.

Ông Richard Gowan, một thành viên trong nhóm chuyên gia LHQ về khủng hoảng quốc tế cho biết tình trạng thiếu ngân sách là “một triệu chứng của cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị”. “Hầu hết các thành viên của LHQ đều không bận tâm đến các vấn đề tài chính mà tổ chức đang phải đối mặt”, ông nói. 

Đại sứ Pakistan Khalil Hashmi kêu gọi các quốc gia thành viên phải trả phí đầy đủ và nêu quan điểm rằng những hoạt động quan trọng của LHQ không nên bị khó khăn tài chính “bóp nghẹt”. Một số nhà phê bình cho rằng tổ chức nên giảm chi tiêu trong việc chi tiền thưởng và trả lương hậu hĩnh, đồng thời xem xét lại việc miễn thuế cho các quan chức cấp cao.

“Đây là một sự lãng phí rất lớn. Thay vì tập trung vào nhiệm vụ của tổ chức, LHQ đã phải chi rất nhiều tiền để trả lương cho các quan chức cấp cao”, ông Marc Limon, cựu nhà ngoại giao và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Universal Rights, chia sẻ.

Tuy nhiên, các quan chức LHQ cho biết trong giai đoạn này, họ chưa sẵn sàng cắt giảm lương của các nhân viên thường trực và đang tập trung vào việc cắt giảm chi phí trong những lĩnh vực khác.

Được xây dựng cách đây gần 100 năm, tòa nhà Palais des Nations tráng lệ nằm tại thành phố Geneva là nơi tổ chức hàng nghìn cuộc họp mỗi năm. Đây cũng là địa điểm thảo luận tìm ra giải pháp cho hàng loạt các vấn đề từ quyền tị nạn đến hòa bình ở Syria. 

Chú thích ảnh
Trụ sở Liên Hợp quốc tại Gevena (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, tòa nhà theo thời gian đang xuống cấp khi các bốt điện thoại mọc lên nhan nhản, mặt tiền đã bị ố vàng và một tượng đài do quỹ Woodrow Wilson tài trợ đang ngày càng hoen gỉ. Thụy Sĩ đã cho vay 800 triệu USD để bảo tồn các công trình này.

Theo một thông tin hành lang khác, cuộc khủng hoảng tài chính còn buộc trụ sở phải ngừng hoạt động thang máy và thang cuốn. Đèn hành lang mờ mịt và một số nhà ngoài giao phải mang theo máy sưởi vì bộ tản nhiệt bị điều chỉnh xuống nhiệt độ thấp bất chấp mùa Đông giá lạnh ở Thụy Sĩ.

“LHQ đã phải chịu nhiều áp lực trong nhiều năm phải cắt giảm nhân lực và điều này trở nên vô cùng khó khăn. Chi phí hội họp đã bị cắt giảm, việc sử dụng thông dịch viên và kỹ thuật viên âm thanh cũng bị hạn chế hơn”, bà Corinne Momal Vanian, Giám đốc Điều hành hội nghị LHQ ở Geneva cho biết.

Một số người suy đoán rằng các biện pháp tiết kiệm được đưa ra chỉ là đòn gây áp lực cho các nhà ngoại giao nhằm kêu gọi quốc gia chủ quản chi trả phí hoạt động cho tổ chức. Tuy nhiên, các quan chức LHQ phủ nhận điều này và cho rằng thực hành tiết kiệm là điều bắt buộc. 

Hải Vân/Báo Tin tức
Liên hợp quốc chọn ngày 7/9 là Ngày Quốc tế Không khí sạch
Liên hợp quốc chọn ngày 7/9 là Ngày Quốc tế Không khí sạch

Ngày 19/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết chọn ngày 7/9 hằng năm là "Ngày Quốc tế Không khí trong lành cho bầu trời xanh" và sẽ tiến hành các hoạt động đánh dấu ngày này từ năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN