Ngày 3/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã hoan nghênh việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Palestine. Trước đó, nhiều nước trong đó có Mỹ, đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với chính phủ đoàn kết dân tộc vừa thành lập của Palestine. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của TTK Ban Ki-moon cho biết: "TTK hoan nghênh... việc Tổng thống Mahmoud Abbas hôm 2/6 công bố thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do Thủ tướng Rami Hamdallah lãnh đạo. LHQ từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết của tiến trình hướng tới đoàn kết người Palestine phù hợp với các nghị quyết hiện hành, trong khuôn khổ Chính quyền Palestine (PA) và những cam kết của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)".
Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah (phải) tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (trái) tại Ramallah ngày 2/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo bà Dujraric, TTK LHQ cũng hy vọng cộng đồng quốc tế không giảm bớt sự hỗ trợ phát triển nền kinh tế Palestine và cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh tân chính phủ đoàn kết dân tộc của Palestine, coi đây là "một bước đi quan trọng" trong tiến trình hòa giải Palestine. Tuyên bố của EU nêu rõ: "Cam kết của EU với tân chính phủ Palestine sẽ phụ thuộc và sự tôn trọng của họ với các chính sách và cam kết này (giải pháp hai nhà nước và quyền được tồn tại của Israel). Tiến trình hòa giải Palesitne gặp rất nhiều thách thức song nó cũng mở ra những cơ hội mới cho tiến trình hòa bình này, cho sự đổi mới dân chủ và cho nhân dân Palestine tại cả Dải Gaza và Bờ Tây".
Hôm 2/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết nội các chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine tuyên thệ nhậm chức ngày 2/6 bao gồm các nhà kỹ trị, không có các thành viên liên hệ với nhóm vũ trang Hamas, do vậy Mỹ sẽ hợp tác với chính phủ đoàn kết dân tộc mới của Palestine và tiếp tục duy trì viện trợ cho chính phủ này.
TTXVN/Tin tức