Theo Tổ chức World Atlas, đảo Hans nằm ở giữa eo biển Nares (rộng khoảng 35km) - là điểm phân tách đảo Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, với Canada. Chiếu theo luật pháp quốc tế, tất cả các nước đều có tuyên bố chủ quyền 12 hải lý. Trong trường hợp này, đảo Hans thuộc vùng lãnh hải của cả Đan Mạch và Canada.
Hans - hòn đảo không người. Ảnh: CC |
World Atlas lưu ý, một phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế thường trực Hội Quốc liên vào năm 1933 đã tuyên bố Hans thuộc về Đan Mạch. Tuy nhiên, sau khi Hội Quốc liên tan rã và được thay thế bằng Liên hợp quốc (1945), địa vị chủ quyền đối với đảo Hans ở vào trạng thái không rõ ràng.
Tranh chấp chủ quyền sau đó lắng xuống, cả người dân và chính phủ Đan Mạch lẫn Canada đều chẳng mấy quan tâm trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ II và ở thời đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Vấn đề chỉ tái xuất hiện vào năm 1984. Vào thời điểm này, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Greenland của Đan Mạch tới thăm đảo và cắm một lá quốc kì. Ở phần chân đế cột cờ, ông Bộ trưởng này có ghi một dòng chữ “Chào mừng đến với đảo của Đan Mạch” cùng với đó là một chai rượu mạnh đặt kế bên.
Nghi lễ cắm cờ, đặt rượu của binh sĩ Đan Mạch (trái) và Canada (phải). Ảnh: AP |
Kể từ đây, Đan Mạch và Canada bước vào “cuộc chiến rượu whisky” không mấy nghiêm trọng nhằm khẳng định chủ quyền với đảo Hans. Hai chính phủ tìm cách “giữ nhiệt” cuộc chiến, nhưng theo một cách thức nhẹ nhàng, hài hước. Peter Takso Jensen, cựu Đại sứ Đan Mạch tại Mỹ tiết lộ: Khi binh sĩ Đan Mạch tới đảo, họ sẽ để lại một chai rượu schnapps. Cũng tương tự như vậy, binh lính Canada sẽ để lại một chai rượu Club đặc trưng, trên đó viết dòng chữ “Chào mừng đến Canada”.
Hiện tại, hai bên đang bàn thảo về một kế hoạch biến Hans thành vùng lãnh thổ chung, đặt dưới sự quản lý của địa hạt gần đó nhất thuộc Đan Mạch và Canada.