Theo đại diện của WHO, giải pháp duy nhất hiện nay là người dân phải tự giác thực hiện các biện pháp "có trách nhiệm và nghiêm túc" theo khuyến cáo của WHO. Quan chức này cho rằng tâm lý chủ quan không có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và việc mở cửa sân bay là nguyên nhân khiến số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở Liban tăng cao.
WHO đã thảo luận với Bộ Y tế Liban về kế hoạch chuyển đổi một số bệnh viện thành các cơ sở chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 và có biểu phí riêng. Cùng với đó, các bệnh viện dã chiến và các đội y tế tới hỗ trợ Liban điều trị những người bị thương trong các vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut mới đây cũng sẽ phối hợp với các bệnh viện nhà nước để tăng năng lực tiếp nhận bệnh nhân.
Ngày 19/8, Liban ghi nhận thêm 589 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 tại quốc gia này lên 10.347 ca, trong đó có 109 ca tử vong. Đây cũng là mức tăng ca bệnh trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại Liban kể từ khi dịch xuất hiện hồi cuối tháng 2. Từ ngày 21/8, Liban sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa trên toàn quốc trong 2 tuần để kiềm chế đà lây lan dịch bệnh.
Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut hôm 4/8 khiến 181 người thiệt mạng, ít nhất 6.500 người bị thương, khoảng 300.000 người mất nhà cửa, ước tính thiệt hại lên tới 15 tỷ USD. Vụ việc xảy ra khi quốc gia này đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng nghèo đói, bất ổn chính trị liên miên và những thách thức gia tăng từ đại dịch COVID-19.
Theo Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực Tây Á của LHQ (ESCWA), cuộc khủng hoảng kinh tế Liban đã khiến tỷ lệ hộ nghèo tăng gấp đôi lên mức hơn 50% dân số từ trước khi vụ nổ xảy ra. Theo cơ quan của LHQ, số liệu trong tháng 5 cho thấy hơn 55% dân số Liban thuộc diện nghèo khó và phải chật vật để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất. Tỷ lệ này cao gấp đôi mức 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hộ cực nghèo tại Liban là 23%, tăng mạnh so với mức 8% của một năm trước. Ngoài ra, cơ quan nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 19/8 ước tính thảm họa tại cảng Beirut sẽ khiến thêm hàng chục nghìn người Liban mất nguồn thu, với trên 70.000 người mất việc làm.
Liban đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giúp đỡ và nhiều nước trên thế giới cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ với điều kiện quốc gia này phải tiến hành cải cách sâu rộng. Ngày 19/8, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết hiện hoạt động tại cảng Beirut đã được khôi phục tạm thời và là nơi tiếp nhận những hàng hóa cứu trợ từ nước ngoài gửi tới những nạn nhân của thảm họa.
Ông Dujarric cho biết gần 9.000 container và hơn 1.000 tấn hàng hóa đã được bốc dỡ tại cảng Beirut từ ngày 11 - 18/8. LHQ và các đối tác vẫn đang tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và đánh giá tình hình tại Liban, quốc gia phụ thuộc lớn (85%) vào nguồn cung thực phẩm từ nước ngoài.