Liban ghi nhận mức siêu lạm phát tháng thứ 22 liên tiếp

Liban đã tiếp tục ghi nhận mức siêu lạm phát trong tháng 4/2022, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang phải thực hiện nhiều cải cách khác nhau được nội các sắp mãn nhiệm phê chuẩn nhằm đảm bảo khoản viện trợ 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chú thích ảnh
Người dân ở trên phố tại Beirut, Liban. Ảnh: AFP/TTXVN

Lạm phát trong tháng 4/2022 tại Liban, quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1943, đã ở mức 206% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng ba chữ số thứ 22 liên tiếp của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Liban. So với tháng 3/2022, chỉ số này tăng 7,1%.

Trong một báo cáo ngày 24/5, ngân hàng Byblos của Liban cho rằng việc các cơ quan chức năng không có khả năng giám sát và kiểm soát giá bán lẻ, kết hợp với sự mất giá "thê thảm" của đồng bảng Liban và việc dỡ bỏ dần trợ giá nhiên liệu, đã tạo cơ hội cho các nhà bán buôn và bán lẻ tăng mạnh giá hàng hóa tiêu dùng. Chi phí vận tải trong tháng 4/2022 cũng tăng 492% so với cùng kỳ năm ngoái, còn chi phí y tế tăng 431%. Giá nước, điện, khí đốt và các nhiên liệu khác chứng kiến mức tăng 409%, trong khi giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 375%.

Nền kinh tế Liban đã sụp đổ sau khi nước này không thể trả được khoản nợ khoảng 31 tỷ USD trái phiếu quốc tế vào tháng 3/2020, với đồng nội tệ mất hơn 90% giá trị so với đồng USD trên thị trường chợ đen. Kể từ đó, lạm phát tại Liban đã tăng phi mã, trong khi nợ công tiếp tục leo thang và ghi nhận mức 100 tỷ USD, tương đương 212% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2021.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Liban là quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP cao thứ tư trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản, Sudan và Hy Lạp. Chính phủ Liban đã phải cam kết thực hiện một loạt cải cách trước khi IMF phê chuẩn khoản viện trợ 3 tỷ USD, trong đó có việc tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng, cải cách luật bảo mật ngân hàng. Bên cạnh đó, Liban cũng sẽ phải áp dụng thống nhất một tỷ giá hối đoán, tăng cường kiểm soát nguồn vốn, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản trị và cải cách tài khóa.
 
Theo WB, kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn 2019-2021, với GDP giảm mạnh xuống còn 21,8 tỷ USD trong năm 2021, so với 52 tỷ USD năm 2019.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Cairo)
Lạm phát của Sri Lanka chạm kỷ lục mới
Lạm phát của Sri Lanka chạm kỷ lục mới

Bộ Điều tra dân số và thống kê Sri Lanka ngày 23/5 công bố báo cáo cho biết lạm phát của nước này đã liên tục lập đỉnh mới do tình trạng khan hiếm xăng dầu trầm trọng hơn và giá lương thực tăng vọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN