Phát biểu tại Dinh Tổng thống, nhà đàm phán Liban Elias Bou Saab khẳng định thỏa thuận đánh dấu việc bắt đầu kỷ nguyên mới và văn kiện này sẽ được gửi tới các quan chức Mỹ tại thành phố Naqoura ở cực Nam của Liban trong cùng ngày.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein nêu rõ trong trường hợp một trong hai bên vi phạm thỏa thuận, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid thông báo Chính phủ Israel đã chính thức thông qua thỏa thuận phân định lãnh hải với Liban.
Trước đó, mở màn phiên họp nội các nhằm chính thức thông qua thỏa thuận, Thủ tướng Lapid tuyên bố Liban đã công nhận thỏa thuận phân định lãnh hải với Israel, đồng thời đánh giá đây là một thành tựu chính trị. Thủ tướng Lapid nhấn mạnh Nhà nước Israel đã giành thắng lợi cả về an ninh, kinh tế, ngoại giao và năng lượng.
Dự kiến, thỏa thuận cuối cùng sẽ do các quan chức Liban và Israel ký tại Naqoura trước sự chứng kiến của Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein và Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về Liban Joanna Wronecka.
Trước đó một ngày, tại cuộc gặp với người đồng cấp Israel Isaac Herzog ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận định thỏa thuận giữa Israel và Liban là bước ngoặt mang tính lịch sử.
Thỏa thuận về ranh giới trên biển giữa Liban và Israel đánh dấu một bước đột phá trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn đang có những xung đột. Liban và Israel không có quan hệ ngoại giao, hoạt động tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của LHQ đảm nhiệm.
Biên giới trên biển phía Bắc mà Israel tuyên bố chồng lấn biên giới phía Nam của Liban, gây ra tranh chấp giữa hai nước. Năm 2020, Israel và Liban đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và LHQ, song các cuộc đàm phán gặp bế tắc do liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel khẳng định quyền khai thác.