Người phát ngôn chính phủ Libi, ông Moussa Ibrahim, ngày 1/6 cáo buộc các cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào nước này trong 10 tuần qua đã làm 718 dân thường thiệt mạng và 4.067 người bị thương.
NATO không kích vào các cơ quan truyền thông tại Thủ đô Tripôli. Ảnh: Internet. |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tripôli, ông Ibrahim cũng bác bỏ khả năng rút lui của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi và khẳng định sự ra đi của ông Kadhafi là “một kịch bản xấu” đối với Libi vì nước này có thể sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh. Ông Ibrahim đồng thời tố cáo các nước phương Tây phớt lờ kế hoạch hòa bình của châu Phi do Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đưa ra trong chuyến thăm Libi hôm 31/5 nhằm làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột hiện nay tại nước này, theo đó kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, tiếp theo là một giai đoạn chuyển giao và đối thoại chính trị.
Tổng thống Zuma trước đó cũng đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn cá nhân của nhà lãnh đạo Kadhafi, đồng thời cho biết ông Kadhafi sẽ không rời khỏi Libi. Trong một tuyên bố sau chuyến thăm Libi, Tổng thống Nam Phi cho biết nhà lãnh đạo Kadhafi đã yêu cầu NATO chấm dứt các cuộc tấn công để các bên ở Libi có thể tiến hành đối thoại. Ông Zuma cũng nhắc lại lời kêu gọi của Liên minh châu Phi (AU), theo đó yêu cầu NATO và các bên liên quan tôn trọng vai trò của AU trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libi.
Trong khi đó, ngày 1/6, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố liên minh quân sự này và các đối tác đã quyết định kéo dài sứ mệnh của họ tại Libi thêm 90 ngày. Theo ông Rasmussen, “quyết định này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng tới chế độ của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi là: Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến dịch của mình để bảo vệ người dân Libi”. Ông Rasmussen nhấn mạnh, việc nhà lãnh đạo Kadhafi rời khỏi quyền lực “chỉ còn là vấn đề thời gian”. Người phát ngôn NATO Carmen Romero cùng ngày cũng bác bỏ cáo buộc của chính phủ Libi rằng các cuộc không kích của NATO đã giết hại hơn 700 dân thường Libi.
NATO nắm quyền chỉ huy chiến dịch ở Libi vào ngày 31/3 sau các cuộc đàm phán khó khăn giữa các nước thành viên. Các chiến dịch thiết lập một vùng cấm bay đồng thời sử dụng không lực để bảo vệ dân thường ban đầu được ủy quyền trong vòng 90 ngày, sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 này.
Cũng trong ngày 1/6, khu vực trung tâm Tripôli lại rung chuyển dữ dội bởi 6 tiếng nổ lớn và các máy bay chiến đấu của NATO tiếp tục quần thảo trên bầu trời thủ đô. Hiện chưa biết chính xác các mục tiêu bị tấn công, song nhiều nguồn tin tại chỗ cho rằng đây là “những khu vực nhạy cảm nhất” mà lực lượng NATO tấn công trong tuần qua. Trước đó, NATO đã không kích suốt đêm 31/5 xuống các địa điểm ở Tripôli, ngoại ô thành phố Tajura và Al-Jafra. Về phía NATO, liên minh quân sự này ngày 1/6 tuyên bố đã đánh trúng nhiều mục tiêu quân sự ở Tripôli cũng như ở Brega, Hun, Misrata, Mizdah và Zawiya.
Trong một diễn biến có liên quan, phóng viên TTXVN tại LHQ đưa tin, báo cáo tại HĐBA LHQ ngày 1/6, Phó Tổng thư ký LHQ về các vấn đề chính trị, ông B.Lynn Pascoe, cho biết các bên trong cuộc xung đột Libi vẫn chia rẽ sâu sắc về cách thức bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình, trong đó chính phủ Libi yêu cầu ngừng bắn (gồm cả ngừng chiến dịch không kích của NATO), trong khi lực lượng nổi dậy kiên quyết đòi ông Kadhafi từ bỏ quyền lực.
Ông Pascoe cho biết LHQ, AU và các bên liên quan vẫn đang nỗ lực thu hẹp bất đồng nhằm thúc đẩy một tiến trình đàm phán tin cậy. Ông cho rằng mặc dù chia rẽ sâu sắc, song cả chính phủ Libi và Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) chống chính phủ đều cam kết tiếp tục đàm phán gián tiếp thông qua Đặc phái viên về Libi của Tổng thư ký LHQ. Ông Pascoe nhấn mạnh LHQ đã thúc đẩy chương trình kiến tạo hòa bình sau xung đột ở Libi theo nguyên tắc nhân dân Libi tự quyết định vận mệnh của mình và trên cơ sở đánh giá tiền khả thi về 6 vấn đề: Chính trị, cơ cấu an ninh, pháp trị và nhân quyền, phục hồi kinh tế, quản trị công và cơ sở hạ tầng vật chất.
Lê Hải