Ngày 3/3, hàng loạt tàu chiến của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canađa, Italia và Hàn Quốc đã xuất phát theo lộ trình hướng về Libi. Tin từ cơ quan quản lý kênh đào Suez xác nhận, hai tàu đổ bộ tấn công USS Kearsarge và USS Ponce của Mỹ, với một hạm đội máy bay lên thẳng, các thiết bị y tế, 800 lính thủy đánh bộ và 400 lính tăng cường đã đến Địa Trung Hải.
Tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS Barry cũng đã đến kênh đào Suez. Câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là liệu nước ngoài có can thiệp quân sự vào Libi và điều này sẽ dẫn đến hệ lụy gì?
Còn nhiều do dự
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 3/3 (giờ VN), cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ nhằm trợ giúp lực lượng chống Tổng thống Libi Moamer Kadhafi cũng sẽ “gây tranh cãi” tại Libi và xa hơn là trong thế giới Arập.
Lực lượng chống chính phủ Libi trên đường tiến về Brega ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo bà Clinton, Mỹ vẫn chưa quyết định liệu có áp đặt vùng cấm bay ở Libi hay không. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến phát biểu của các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ hôm 2/3 rằng việc áp đặt vùng cấm bay ở Libi sẽ là một sự phức tạp “bất thường” và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn chưa nhất trí về bất kỳ sự can thiệp quân sự nào ở Libi.
Bà Clinton khẳng định, một trong những lo ngại lớn nhất của Oasinhtơn là Libi có thể rơi vào hỗn loạn và trở thành “thiên đường” cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda, giống như Xômali. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thì nhấn mạnh, việc thiết lập một vùng cấm bay sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công vào Libi để làm tê liệt hệ thống phòng không của nước này. Ông Gates đồng thời thừa nhận hiện NATO chưa đồng thuận về khả năng sử dụng vũ lực đối với khủng hoảng chính trị ở Libi.
Về phía NATO, Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen, trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brúcxen ngày 3/3, đã tuyên bố, “NATO không có ý định can thiệp vào Libi, nhưng với tư cách là một tổ chức an ninh và liên minh quân sự, chúng tôi đang thận trọng lên kế hoạch cho mọi tình huống”. Ông Rasmussen cũng cho biết, lực lượng đối lập ở Libi đã đề nghị nước ngoài không kích lực lượng của Tổng thống Moamer Kadhafi.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cảnh báo việc sử dụng hành động quân sự có thể khiến Arập đối đầu với châu Âu. Ông Juppe khẳng định, việc áp đặt vùng cấm bay ở Libi trước tiên cần phải được sự phê chuẩn của Liên hợp quốc (LHQ). Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg thì nhấn mạnh, Luân Đôn sẽ không thực thi một khu vực cấm bay ở Libi nhưng điều này “là kế hoạch đối phó cần thiết”.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, thì thẳng thừng bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự đối với Libi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lưu ý, NATO chỉ có thể can thiệp quân sự khi một trong các quốc gia thành viên của khối bị tấn công.
Trong khi đó, hội nghị ngoại trưởng Liên đoàn Arập (AL) ngày 3/3 đã ra nghị quyết “bác bỏ mọi hình thức can thiệp của nước ngoài vào Libi”, nhấn mạnh đàm phán là giải pháp tốt nhất để bảo vệ người dân. Nghị quyết cũng đề cập đến khả năng ủng hộ lập vùng cấm bay tại Libi.
Nhận định về khả năng xảy ra sự can thiệp quân sự của nước ngoài tại Libi, báo Bưu điện quốc gia (Canađa) số ra cùng ngày cho rằng: Việc phối hợp một hành động can thiệp quân sự quốc tế là khá phức tạp và có ảnh hưởng lớn về chính trị. Mỹ và châu Âu đã công khai thảo luận việc sử dụng vũ lực, trong đó có việc thiết lập một vùng cấm bay.
Tàu USS Kearsarge của Mỹ trên hải trình hướng về Libi.Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, cơ hội để đưa ra một hành động mang tính quyết định và mau lẹ là rất mong manh. NATO đang yêu cầu LHQ phải ra lệnh can thiệp, các nước Arập thì không muốn trở lại thời thực dân trước đây còn Oasinhtơn vẫn bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Irắc.
Trước đó, trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Kadhafi cảnh báo “hàng nghìn người” sẽ thiệt mạng nếu phương Tây can thiệp quân sự vào Libi, đồng thời nhắc lại cáo buộc Al-Qaeda đứng đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi.
“Chảo lửa” vẫn sục sôi
Kênh truyền hình Al Jazeera ngày 3/3 đưa tin, Tổng thống Libi Kadhafi và Tổng thư ký AL Amr Moussa đã nhất trí với kế hoạch hòa bình của Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Libi.
Theo Al Jazeera, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Chavez, Tổng thống Kadhafi đã đồng ý với kế hoạch thành lập một ủy ban hòa bình gồm đại diện các nước khu vực Mỹ Latinh, châu Âu và Trung Đông nhằm đi đến một giải pháp thông qua thương lượng giữa nhà lãnh đạo Libi và lực lượng chống chính phủ để tránh xảy ra nội chiến. |
Trước tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở Libi, Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập cuộc họp ngoại trưởng khẩn cấp tại Brúcxen vào ngày 10/3. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton ngày 3/3 cho biết, cuộc họp này sẽ tập trung vào những gì đang diễn ra ở Libi và khu vực nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU diễn ra ngày hôm sau 11/3.
Tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo của 17 nước thành viên EU sẽ tìm kiếm câu trả lời chung cho tình trạng bất ổn ở Libi và chính sách mới cho tương lai của các quốc gia Arập nằm ở bờ nam châu Âu.
Cũng trong ngày 3/3, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã quyết định mở cuộc điều tra về những tội ác chống lại loài người ở Libi. Theo Công tố viên ICC, ông Luis Moreno-Ocampo, Tổng thống Kadhafi, một số con trai và phụ tá chủ chốt của ông này sẽ bị điều tra.
Ông Moreno-Ocampo còn cho biết thêm, ông dự định sẽ yêu cầu các thẩm phán ICC phát lệnh truy nã những nhân vật này trong vài tháng tới. Trước đó, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) đã tuyên bố đình chỉ mọi hợp tác với Libi “cho đến khi các quyền của người dân nước này được tôn trọng đầy đủ”.
Trong khi đó, giao tranh giữa lực lượng chống chính phủ và những người ủng hộ Tổng thống Kadhafi vẫn diễn ra dữ dội. Ngày 3/3, máy bay chiến đấu của quân đội đã mở các cuộc không kích vào thị trấn Brega do lực lượng chống chính phủ nắm giữ.
Đây được xem là lần đầu tiên quân của ông Kadhafi tấn công vào những vị trí do phe đối lập kiểm soát kể từ khi nổ ra khủng hoảng chính trị trong nước cách đây 17 ngày. Mặc dù tấn công lực lượng chống đối bằng vũ khí hạng nặng và xe tăng nhưng quân của ông Kadhafi vẫn bị đẩy lùi do phe đối lập đưa quân tiếp viện từ thành phố Benghazi đến.
Phóng viên AFP có mặt tại hiện trường đưa tin, quân đội ủng hộ Tổng thống Kadhafi cũng không kích vào vị trí của lực lượng đối lập tại Ajdabiya (cách Brega 40 km). Chiến sự giữa hai bên diễn ra vô cùng ác liệt và kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Theo ước tính của LHQ, khủng hoảng chính trị tại Libi, tính đến thời điểm này, đã cướp đi mạng sống của ít nhất 1.000 người và buộc hơn 100.000 người chạy loạn ra nước ngoài. Tuy nhiên, Liên đoàn Nhân quyền Libi lại cho biết có ít nhất 6.000 người đã chết do tình hình an ninh bất ổn ở trong nước.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 3/3 đã công bố một chương trình viện trợ khẩn cấp trị giá ,7 triệu USD dành cho 2,7 triệu người bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ở Libi. WFP cho hay, các kho lương thực đã cạn kiệt và các mạng lưới cung ứng ở Libi đã bị phá vỡ, đồng thời kêu gọi viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho nước này.
Hạnh Minh (Tổng hợp)