Ông Oun nêu rõ: "Nếu dự luật ngân sách không được thông qua tại quốc hội, điều này sẽ tác động bất lợi và gây nhiều khó khăn cho nỗ lực duy trì và tăng sản lượng khai thác dầu mỏ". Các chính trị gia ở Libya đã không thể đạt được sự đồng thuận về dự luật ngân sách trong hơn 4 tháng qua. Theo ông Oun, Bộ Dầu khí Libya đã đề nghị khoản kinh phí 7 tỷ dinar (1,5 tỷ USD) để phát triển các dự án dầu mỏ, nhưng chỉ 3 tỷ dinar được phân bổ trong dự thảo ngân sách.
Ông cho biết thêm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) lâu nay phàn nàn rằng họ cần thêm ngân sách để bảo dưỡng và sửa chữa cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp của ngành dầu khí. Người đứng đầu Bộ Dầu khí Libya cũng xác nhận nước này đang xem xét đề nghị của các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án tinh lọc dầu ở quốc gia Bắc Phi.
Dầu mỏ là nguồn thu chủ lực của nền kinh tế Libya. Theo số liệu chính thức, doanh thu từ dầu mỏ của NOC đã đạt 2,13 tỷ USD trong tháng 6/2021 nhờ sản lượng khai thác và giá dầu đều gia tăng.
Hiện nay, nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đang mong muốn quay trở lại Libya để tiếp tục triển khai các dự án dầu khí bị đình hoãn tại đây. Trong số này có tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Repsol của Tây Ban Nha và công ty năng lượng Tatneft của Nga. Giám đốc điều hành Tatneft, ông Nail Ulfatovich Maganov, cho biết Tatneft sẽ sớm hoàn thành các dự án dầu mỏ tại Libya. Theo ông Maganov, công ty năng lượng Nga này đang tìm cách hoàn thành các dự án trước đây ở Libya, đặc biệt là bốn hợp đồng thăm dò, trong đó có dự án ở thành phố Ghadames và các dự án khác ở gần biên giới Tunisia và Algeria. Năm 2008, Libya và Nga đã ký một thỏa thuận thương mại trị giá 10 tỷ USD, bao gồm các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu mỏ.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Libya Mohammed Al-Huweij ngày 16/8 đã thảo luận với người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, đặc biệt là khả năng đưa các công ty Mỹ trở lại Libya để tiếp tục các dự án bị đình trệ.
Ông Al-Huweij cho biết Bộ Kinh tế và Thương mại Libya đang làm việc để kích hoạt các dự án nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế số, nhất là trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tái tạo. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác thực sự giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nói rằng luật đầu tư của Libya đảm bảo các các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm việc miễn các mức thuế và thuế hải quan trong 5 năm.