Ngày 19/5, Chính phủ đoàn kết dân tộc được quốc tế công nhận (GNA) tại Libya đã thành lập một ủy ban điều tra và quyết định treo chức với Bộ trưởng Quốc phòng al-Mahdi al-Barghathi và Tư lệnh Lực lượng thứ 3 - một nhóm quân sự có thế lực ở thành phố Misrata ở miền Bắc Libya và trung thành với GNA - cho tới khi xác định được thủ phạm của vụ tấn công quân sự xảy ra tối trước đó tại một căn cứ quân sự ở thành phố Brak Al-Shati miền Nam nước này, làm ít nhất 141 người thiệt mạng.
Phần lớn nạn nhân là binh sỹ thuộc Quân đội Quốc gia Libya (LNA). GNA và Bộ Quốc phòng Libya đã lên án vụ tấn công trên và khẳng định không ra lệnh tấn công. GNA cũng đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở miền Nam trong khi có nguồn tin cho hay chính Lực lượng thứ 3 đã tiến hành vụ tấn công này.
Bộ trưởng Quốc phòng Libya Al-Mahdi Al-Barghathi dự lễ tốt nghiệp của các sĩ quan quân đội tại Tripoli ngày 6/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Ahmad al-Mesmari, người phát ngôn của LNA do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy ở miền Đông Libya cho biết trong số những nạn nhân có cả nhân viên dân sự làm việc tại căn cứ Brak al-Shati và dân thường sống ở khu vực xung quanh. Vụ tấn công cũng khiến nhiều người bị thương và mất tích.
Trong vài tháng trở lại đây, khu vực xung quanh thành phố Brak Al-Shati, gồm căn cứ quân sự Tamanhent và thành phố Sabha, đã trở thành điểm giao tranh giữa các lực lượng trung thành với LNA và các lực lượng đối lập trung thành với chính quyền Tripoli.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011. Hai chính quyền đối địch đã tồn tại song song, một tại thủ đô Tripoli và một tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.
Tháng 12/2015, dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, chính phủ đoàn kết dân tộc do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, nhằm thay thế cho các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành và bắt đầu hoạt động tại Tripoli từ ngày 30/3/2016. Tuy nhiên, chính phủ đoàn kết đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước, trong bối cảnh cơ quan lập pháp tại Tobruk cho tới nay vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này.