Phát biểu tại một hội nghị ở Kuwait, người đứng đầu ngành ngoại giao Libya cho biết thông tin lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia này là chính xác, song đây mới chỉ là sự khởi đầu rất “khiêm tốn”.
Bà Mangoush khẳng định giới chức Libya mong muốn hoạt động diễn ra trên quy mô lớn và Libya sẽ triển khai chiến lược để thúc đẩy quá trình này toàn diện hơn. Đây cũng là điều Chính phủ Libya sẽ nỗ lực đạt được tại hội nghị về tình hình Libya dự kiến diễn ra cuối tháng này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mangoush không tiết lộ chính xác quân số nước ngoài đã rời khỏi Libya.
Trước đó, Liên hợp quốc (LHQ), Libya và nhiều nước đã kêu gọi các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Libya rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ. Từ đó, quốc gia Bắc Phi này luôn trong tình trạng bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn. Tháng 10/2020, các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn.
Một chính phủ lâm thời thống nhất đã được thành lập vào tháng 3 năm nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 24/12 tới. Tuy nhiên, việc các bên vẫn chưa thể thống nhất cơ sở xây dựng hiến pháp sau nhiều vòng đàm phán đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 3/10, Libya thông báo đã khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, gần Al-Charara - một mỏ dầu lớn của nước này thuộc khu vực Oubari ở miền Nam, có sản lượng trung bình khoảng 300.000 thùng/ngày.
Theo người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia Libya, ông Mustafa Sanalla, dự án trị giá từ 500 triệu USD đến 600 triệu USD này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới, mang lại nguồn thu hàng năm khoảng 75 triệu USD.
Dự án này đã được công bố từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, song đã bị trì hoãn trong nhiều năm và được khôi phục lại vào năm 2017.