Tuần trước là khoảng thời gian tồi tệ cho Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tại vòng loại World Cup 2018, đội tuyển Đức đã phải nhận thất bại cay đắng trước đối thủ Hàn Quốc và ngậm ngùi về nước.
Trong nước, chính phủ lại dường như bên bờ vực sụp đổ khi hạn cuối cho một thỏa thuận hợp lý về chính sách nhập cư với những người đồng cấp EU khiến bà đau đầu.
Tuy nhiên, tình hình tuần này cũng không hề khá khẩm hơn. Trong lịch trình thứ Năm (5/7), bà Merkel có hai cuộc họp quan trọng: một với Thủ tướng cánh hữu Hungary Viktor Orban - người có tư tưởng chống đối EU - và cuộc gặp thứ hai với Thủ tướng Anh Theresa May - nước đang tiến hành chuẩn bị rời khỏi khối liên minh.
Bà Merkel từ lâu luôn nhấn mạnh rằng các vấn đề châu Âu chỉ có thể được khắc phục với các giải pháp châu Âu - nhưng danh sách các vấn đề trong chương trình nghị sự của bà ngày thứ Năm cho thấy mọi việc không hề dễ dàng.
Tại Berlin, 12h trưa: Thủ tướng Merkel gặp người đồng cấp Orban
Tuần trước, Thủ tướng Merkel đã miêu tả nhập cư là một vấn đề "mang tính quyết định" đối với châu Âu. Thủ tướng Orban đã thực hiện hành động đơn phương, khiêu khích nhằm cắt giảm tình trạng nhập cư vào Hungary và liên tục chống lại các nỗ lực trên toàn EU.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Orban được Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer của CSU mời tới Đức. Bộ trưởng Seehofer là một trong những người kịch liệt chỉ trích lập trường tự do của bà Angela Merkel.
Tại đây, Thủ tướng Orban đã có một bài phát biểu bảo vệ biên giới, tự hào là "đội trưởng của pháo đài biên giới Bavaria" và bảo vệ quyết định xây dựng một hàng rào trên biên giới Hungary với Serbia vào năm 2015 để ngăn cản người nhập cư và người tị nạn.
Quyết định hành động đơn phương của ông vào năm 2015 khiến ông mâu thuẫn với bà Merkel. Chỉ hai tuần trước, ông từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh bàn về di cư, cáo buộc một số quốc gia (ám chỉ Đức) gây ra một "sự điên cuồng tại châu Âu" liên quan đến tình trạng nhập cư.
Hiện tại, Thủ tướng Merkel đang tìm kiếm một thỏa thuận với người đồng cấp Orban để hạn chế số người xin tị nạn đến Đức. Đây là một một nhiệm vụ khó khăn khi mấy năm trở lại đây quan hệ hai nước khá lạnh lẽo.
Mặc dù trả lời phỏng vấn báo BILD của Đức, Thủ tướng Orban đã báo hiệu sự sẵn sàng của mình để đạt được thỏa thuận với bà Merkel, tuy nhiên theo bài viết của Reuters, rõ ràng hai nhà lãnh đạo vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề nhập cư sau cuộc họp.
Trong khi bà Merkel lập luận rằng EU không thể trở thành pháo đài châu Âu - "chúng ta không thể cắt đứt bản thân khỏi nhân loại" thì Thủ tướng Orban nhấn mạnh châu Âu phải tự bảo vệ và xóa bỏ các yếu tố ăn theo.
"Tôi và Thủ tướng Merkel nhìn thế giới với hai cách rất khác nhau," Thủ tướng Orban bày tỏ.
Không chỉ có vấn đề nhập cư, trong cuộc họp lần này, bà Merkel cũng muốn có sự đảm bảo từ nhà lãnh đạo Hungary trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức vào tuần tới, nhằm thể hiện một khối đoàn kết trước các yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại Vienna, 1 giờ chiều địa phương: Bộ trưởng Seehofer gặp Thủ tướng Kurz
Thủ tướng Kurz không mấy vui vẻ với thỏa thuận giữa Merkel và Seehofer đưa ra hôm thứ Hai (2/7) rằng sẽ có một số người tìm kiếm tị nạn đăng ký đến những quốc gia khác trong EU bị gửi trở lại biên giới phía nam của Đức và đưa đến Áo.
Ban lãnh đạo Áo dường như ngạc nhiên với vai trò của họ trong thỏa thuận. Họ khẳng định Áo sẽ "có biện pháp" để bảo vệ biên giới phía Nam của mình nếu cần thiết.
Đó chính là hành động đơn phương cũng như mối đe dọa mà Thủ tướng Merkel không thích và lo lắng.
Để giải quyết sai lầm, Bộ trưởng Seehofer đã tới thủ đô Vienna ngày 5/7 để gặp Thủ tướng Áo Sebastian Kurz.
Trong vai trò thủ tướng trước đây của ông ở Bavaria, Seehofer có mối quan hệ công việc khăng khít với chính phủ Áo và mối quan hệ tốt với Thủ tướng Kurz – người có quan điểm giảm nhập cư và đẩy mạnh quá trình trục xuất. Đây có lẽ là cơ hội tốt cho Bộ trưởng Seehofer kêu gọi Áo ngồi cùng thuyền liên quan tới thỏa thuận nhập cư nói riêng và các dự án châu Âu nói chung.
Tại Berlin, 2h chiều: Hai "nữ tướng" gặp nhau
Sự ra đi của Anh khỏi EU ("Brexit") là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất đối với các nước thành viên còn lại. Mặc dù tại một hội nghị thượng đỉnh của EU tuần trước, các vấn đề liên quan đến Brexit trong chương trình nghị sự đã được giải quyết nhanh hơn nhiều so với các cuộc đàm phán nhập cư song Brexit vẫn là một trong những lời nhắc nhở mạnh mẽ nhất về sự không hài lòng của người dân trong khối cũng như mối đe dọa các nước khác có thể học tập theo Anh dường như không hoàn toàn biến mất.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Theresa May, Thủ tướng Merkel sẽ phải cân bằng nhu cầu của một châu Âu hậu Brexit với mong muốn quan hệ Anh-Đức mạnh mẽ, trong khi vẫn giữ được Anh về phe châu Âu trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO.