Sau cuộc họp ngày 12/2 tại thủ đô Cairô của Ai Cập, ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arập đã quyết định sẽ chấm dứt sứ mệnh giám sát của Liên đoàn Arập tại Xyri, đồng thời kêu gọi HĐBA Liên hợp quốc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình chung để giám sát lệnh ngừng bắn.
Ông Nabil al-Arabi - Tổng thư ký Liên đoàn Arập tuyên bố để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt tình trạng xung đột tại Xyri, các bên cần phải nghiên cứu phương án thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình. Cần phải có sự dàn xếp và phối hợp giữa các bên, đặc biệt là với Nga và Trung Quốc, để có thể đạt được 1 quyết định khẩn cấp, và để HĐBA LHQ giữ vai trò đảm bảo các bên liên quan sẽ thực hiện những cam kết.
Ông Nabil al-Arabi. Ảnh:independent.co.uk |
Ông Nabil al-Arabi cũng cho biết mới nhận nhận được một thông điệp từ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng quan điểm của Nga về Xyri "có thể đã thay đổi". Ông này dẫn lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói rằng Nga ủng hộ các nỗ lực của Liên đoàn Arập và sẵn sàng "mở rộng sứ mệnh giám sát" tại Xyri.
Mặt khác, Liên đoàn Arập cũng quyết định sẽ tiếp xúc với phe chống đối ở Xyri bằng các kênh liên lạc, và sẽ hỗ trợ lực lượng này về chính trị và vật chất. AL cũng sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế với Chính phủ Xyri, và tái khẳng định đình chỉ quan hệ thương mại với nước này. AL cũng yêu cầu các nước thành viên cắt đứt mọi hợp tác ngoại giao với các đại diện của chính phủ Xyri ở cấp nhà nước và tại các hội nghị quốc tế.
Phản ứng trước nghị quyết mới của Liên đoàn Arập, Đại sứ Xyri tại Cairô, ông Yusef Ahmed cho biết chính quyền Xyri "cương quyết" bác bỏ quyết định hỗ trợ phe đối lập Xyri và việc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình chung LHQ-AL ở nước này. Đại sứ Xyri khẳng định "Cộng hoà Arập Xyri cương quyết bác bỏ các quyết định của Liên đoàn Arập" mà ông cho là "phản ánh bản chất kích động của các chính phủ này" sau khi họ không thể khiến nước ngoài can thiệp vào Xyri tại HĐBA LHQ.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Sana đưa tin, ủy ban soạn thảo luật cơ bản mới của Xyri đã đệ trình Tổng thống dự thảo hiến pháp sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Dự thảo hiến pháp mới hạn chế nhiệm kỳ tổng thống không quá 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm, đồng thời cho phép các đảng chính trị khác ngoài đảng Baath cầm quyền tham gia bầu cử.
TTXVN/Tin Tức