Tuyên bố trên được các cơ quan cứu trợ trên thế giới, trong đó có Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), đưa ra ngày 2/9.
Trong một tuyên bố, bà Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc WFP tại Afghanistan, nêu rõ kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Nam Á này ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi nền kinh tế đang ở bên bờ vực sụp đổ. Giá lương thực đã tăng vọt sau khi đợt hạn hán thứ hai trong 4 năm qua làm giảm khoảng 40% sản lượng lúa mỳ. Trong khi đó, người lao động bị nợ lương, đồng nội tệ mất giá và các ngân hàng chỉ giới hạn rút 200 USD mỗi tuần.
Hiện 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho 15 trong số 34 tỉnh, thành của Afghanistan đều ít hơn trong tháng 8, đặc biệt là tại các tỉnh Ghazni, Khost và Paktika ở miền Đông.
WFP nêu rõ hàng triệu người Afghanistan có thể phải đối mặt với nạn đói do sự kết hợp của các yếu tố xung đột, hạn hán và dịch COVID-19. Do đó tổ chức này kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 200 triệu USD, đồng thời cảnh báo nguồn cung của WFP sẽ cạn kiệt vào tháng 10 tới khi mùa Đông bắt đầu.
Hiện WFP vẫn duy trì hoạt động tại Afghanistan và đã nhập khẩu lương thực từ Uzbekistan và Pakistan, cung cấp lương thực cho khoảng 200.000 người trong hai tuần qua.
Trong khi đó, bà Christine Cipolla, Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá thiếu lương thực, mất an ninh nghiêm trọng và suy thoái kinh tế tại Afghanistan đang đẩy nhanh kịch bản hình thành dòng người tị nạn ồ ạt. Trên thực tế, giao tranh, hạn hán và không được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu đã khiến một lượng lớn người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay trong nước mình.