Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv và Geneva, phát biểu trước khi công bố bản báo cáo đầy đủ về kết quả điều tra của ủy ban trên, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Navi Pillay nhấn mạnh trẻ em nói riêng đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của những cuộc tấn công này, phải chịu đựng trực tiếp và gián tiếp từ sự sụp đổ của hệ thống y tế.
Ủy ban điều tra của OHCHR có nhiệm vụ thu thập bằng chứng và xác định các đối tượng bị nghi ngờ liên quan đến tội phạm quốc tế xảy ra ở Israel và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ủy ban này dựa trên nhiều nguồn khác nhau bao gồm phỏng vấn với nạn nhân và nhân chứng, tài liệu nộp vào và hình ảnh vệ tinh. Trong báo cáo, ủy ban kêu gọi Israel ngay lập tức chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, cũng như giam giữ người Palestine. Dự kiến, bản báo cáo đầy đủ sẽ được trình lên Đại hội đồng LHQ vào ngày 30/10.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 10.000 bệnh nhân cần sơ tán y tế khẩn cấp đã không thể rời khỏi khu vực kể từ khi cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và phía Nam Gaza bị đóng vào tháng 5. Bộ Y tế Palestine cũng cho biết gần 1.000 nhân viên y tế đã thiệt mạng ở Dải Gaza trong năm qua. WHO đánh giá sự việc là một "mất mát không thể thay thế và là đòn giáng mạnh vào hệ thống y tế".
Tình hình Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Israel tiếp tục các cuộc tấn công vào Liban và Dải Gaza. Vào tối 10/10, Israel đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào trung tâm Beirut, nhắm vào ông Wafiq Safa, người đứng đầu Đơn vị liên lạc và điều phối của lực lượng Hezbollah ở Liban. Theo Bộ Y tế Liban, cuộc không kích đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 117 người bị thương.
Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận đã nổ súng vào khu vực hoạt động của phong trào Hezbollah ngay gần trụ sở chính của Lực lượng lâm thời gìn giữ hòa bình LHQ (UNIFIL) ở miền Nam Liban, khiến hai nhân viên LHQ bị thương.
Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất mà phái bộ gìn giữ hòa bình này báo cáo kể từ tuần trước, khi họ cho biết đã từ chối yêu cầu của Israel về việc "di dời" nhân sự khỏi một số vị trí của phái bộ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh vụ tấn công là hành động "không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi Israel và tất cả các bên tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo quốc tế.
Trong khi đó, Italy và Pháp cũng phản đối mạnh mẽ vụ tấn công trên, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Liban.