Ngành năng lượng của thế giới nói chung hiện vẫn dựa chủ yếu vào nguyên liệu hóa thạch và là “thủ phạm” gây ra tới 40% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Hiện có tới 2/3 lượng khí thải nhà kính của ngành năng lượng do than tạo ra. Thế nhưng, bất chấp những hậu quả nhãn tiền, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà máy điện đốt bằng than vẫn đang mọc lên, chưa kể hàng trăm nhà máy khác cũng trong kế hoạch sẽ được xây dựng.
Nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển, cũng bắt đầu chú ý tới thông điệp chống biến đổi khí hậu của LHQ. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu lớn về năng lượng của họ.
Chính vì vậy, Tổng Thư ký đã đưa ra lời cảnh báo của ông trong Hội nghi Thượng đỉnh ASEAN hồi đầu tháng này rằng chính các nước Đông Nam Á là một trong những khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tiến trình biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Đông Nam Á sẽ trở thành động lực cho xu hướng năng lượng thế giới trong 20 năm tới. Kể từ năm 2000, đã có thêm nhiều triệu người dân ở đây có điện để dùng và theo tính toán thì tới năm 2030 toàn bộ người dân ở đây cũng sẽ có điện.
LHQ đã thu thập dữ liệu và chỉ ra rằng Đông Nam Á có số nhà máy điện chạy bằng than cao thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều nước phát triển đã cam kết lộ trình sẽ bỏ sử dụng than trong vòng vài năm tới, như Đức sẽ thôi dùng than vào năm 20 và 8 nước trong Liên minh châu Âu đã tuyên bố sẽ ngừng sử dụng than vào năm 2030.
Với công nghệ ngày càng hiện đại, LHQ cho rằng thế giới sẽ có thể chuyển đổi sử dụng than sang các loại nhiên liệu tái tạo ở mức chi phí có thể chấp nhận được. Nghiên cứu của LHQ cho thấy năng lượng tái tạo hiện là dạng năng lượng sản xuất điện thế hệ mới rẻ nhất ở 2/3 các khu vực trên thế giới, rẻ hơn cả điện than và điện khí và tới năm 2030, điện gió và điện mặt trời được dùng phổ biến hơn sẽ khiến lượng điện sản xuất bằng than hay bằng khí giảm đi rất nhiều.
Trong năm 2020 tới, LHQ sẽ khởi động chương trình Một Thập kỷ Hành động nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững của LHQ 2030. Riêng đối với ngành năng lượng, mục tiêu của LHQ là đảm bảo có đủ năng lượng bền vững với chi phí hợp lý để tất cả mọi người có thể tiếp cận và sử dụng, đồng thời giúp người dân bỏ thói quen sử dụng năng lượng do than tạo ra.