Phát biểu họp báo tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), ông Dujarric nêu rõ trong tổng số tiền trên, 5 triệu USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho 24.000 người tại quốc đảo Grenada; 4 triệu USD hỗ trợ cho 19.000 người tại Saint Vincent và Grenadines. Kế hoạch này nhằm giải quyết các nhu cầu trước mắt của những người chịu ảnh hưởng của siêu bão Beryl.
Người phát ngôn Dujarric cũng cho biết LHQ và các đối tác đang tiến hành đánh giá tình hình hiện nay bất chấp những thách thức trong việc tiếp cận do mất điện và cơ sở hạ tầng hư hại. Kế hoạch ứng phó sẽ được điều chỉnh khi cần thiết để phản ánh thông tin mới và nhu cầu hỗ trợ ngày càng tăng.
Ông Dujarric nói thêm rằng các nhà nhân đạo nhấn mạnh cần hành động ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của những người bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh giới chuyên gia dự báo về một mùa bão rất dữ dội trong năm nay.
Bão Beryl hình thành trên Đại Tây Dương từ ngày 30/6 vừa qua, sau đó nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão cấp 5 - cấp mạnh nhất trong thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp. Đây là cơn bão đầu tiên trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 và là cơn bão cấp 5 sớm nhất được ghi nhận ở Đại Tây Dương, Caribe và Trung Mỹ.
Siêu bão này đã hoành hành Quần đảo Cayman, quét qua Jamaica, Grenada, Saint Vincent và Grenadines, khiến 11 người thiệt mạng, làm sập nhiều nhà cửa, công trình và gây nhiều thiệt hại khác về tài sản. Riêng tại Grenada, đảo Carriacou và Petite Martinique gần như bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi giảm cấp, bão Beryl tiếp tục tấn công miền Nam nước Mỹ khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, gần 3 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh rơi vào cảnh mất điện; hơn 1.100 chuyến bay bị hủy.