Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ngày 26/6, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền trong lãnh thổ của người Palestine, Michael Lynk đã kêu gọi EU nên đưa ra các cảnh báo phản đối kế hoạch của Israel sáp nhập các khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng cùng "một loạt các biện pháp ngăn chặn". Các biện pháp ngăn chặn mà EU có thể đưa ra là trừng phạt kinh tế, thương mại hoặc các biện pháp khác.
Mới đây, hôm 24/6, hơn 1.000 nghị sỹ Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo can thiệp và ngăn chặn Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.
Trong thư gửi tới ngoại trưởng các nước châu Âu và được đăng tải trên các tờ báo, 1.080 nghị sĩ đã bày tỏ "đặc biệt lo ngại" kế hoạch của Israel, nếu được hiện thực hóa, sẽ tạo tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế. Động thái này sẽ phủ bóng đen lên triển vọng hòa bình Israel-Palestine. Hiểu rõ những cam kết dài hạn của châu Âu đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine, các nghị sĩ đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu "hành đột dứt khoát để ứng phó trước thách thức này".
Trước đó một ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây, nhấn mạnh đây sẽ là động thái “vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế”. Ông bày tỏ hy vọng sẽ có những cuộc đàm phán mới để cuối cùng đạt được giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine. Ông cũng cảnh báo việc Israel cố tình sáp nhập Bờ Tây đe dọa những nỗ lực để tiến tới hòa bình cho toàn bộ khu vực Trung Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Chính phủ Israel tuyên bố có thể xúc tiến sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan kể từ ngày 1/7 tới. Kế hoạch sáp nhập này của Israel hiện được Mỹ hậu thuẫn nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel coi Bờ Tây là "vùng tranh chấp". Trong khuôn khổ các chính sách được chính quyền Israel thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.