Cộng đồng quốc tế cần có hành động tham vọng lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây là thông điệp được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đưa ra trước thời điểm diễn ra Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24), dự kiện diễn ra từ ngày 3-14/12 tại Katowice, Ba Lan.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/11 tại trụ sở ở New York, TTK Guterres kêu gọi quốc tế cần hành động tức thời, vì chần chừ hành động đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều thảm họa, hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, ô nhiễm không khí trầm trọng hơn, khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu khoản thiệt hại có thể lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050. Theo ông, hành động tham vọng chống biến đổi khí hậu không chỉ giảm đà tăng nhiệt độ, mà còn có lợi cho các nền kinh tế, cho môi trường và cho sức khỏe người dân. Các giải pháp môi trường đem lại cơ hội, công nghệ hiện cũng sẵn sàng và đây là những khoản đầu tư thông minh trong một tương lai bình đẳng, thịnh vượng và bền vững.
TTK đã điểm qua một số thách thức nghiêm trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt liên quan đến biến đổi khí hậu. Đó là việc hàm lượng carbon dioxide (CO2) đã tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng 3 triệu năm qua dựa trên kết quả nghiên cứu mới đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Trong khi đó, báo cáo môi trường LHQ công bố mới đây cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực hành động chống biến đổi khí hậu mới có thể ngăn được nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C vào cuối thể kỷ này.
Đề cập đến nguồn lực tài chính cần thiết, TTK Guterres nhắc lại lời kêu gọi huy động ngân sách 100 tỷ USD/năm giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu từ năm 2020. Người đứng đầu tổ chức đa phương cho rằng các nền kinh tế phát triển thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần đi đầu trong nỗ lực này, vì đây là những nước chiếm đến 75% lượng khí thải nhà kính và cũng là những nước có nguồn lực để hỗ trợ tài chính cần thiết cho thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo số liệu mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), lượng khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2030 có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Điều này cộng đồng quốc tế đang "chậm chân" trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của UNEP, lượng khí nhà kính thải ra môi trường trong năm 2017 đã tăng lên mốc kỷ lục mới là 53,5 tỷ tấn sau 3 năm giảm liên tiếp. Để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lần lượt ở ngưỡng 2 độ C và 1,5 độ C như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 quy định, lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 phải ở mức thấp hơn con số trên tương ứng khoảng 25% (13,3 tỷ tấn) và 55% (29,4 tỷ tấn). Theo ước tính của LHQ, các chính sách khí hậu hiện tại sẽ chỉ giúp giảm khoảng 6 tỷ tấn khí nhà kính phát thải trước năm 2030, đồng nghĩa với mức tăng nhiệt bề mặt Trái Đất là 3 độ C vào năm 2100. Báo cáo chỉ ra, những yếu tố lượng khí thải tăng kết hợp với các hành động chưa đủ quyết liệt đang khiến cho con số khoảng cách giữa mức thải thực tế và mức thải mục tiêu trong năm vừa qua cao hơn bao giờ hết. Báo cáo cho rằng nếu khoảng cách này không được thu hẹp trước năm 2030 thì mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng hoàn toàn vượt quá tầm với. Cũng theo báo cáo này, các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C. UNEP cũng chỉ ra G20 đang là nhóm không đảm bảo thực hiện được cam kết.
Thế giới đang kỳ vọng sự kiện COP 24 sắp tới có thể hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua hồi năm 2015 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi hiệp định này.