Trao đổi với báo giới tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ông Mark Lowcock, Phó Tổng thư ký phụ trách Các vấn đề Nhân đạo và Cứu trợ Khẩn cấp của LHQ cho biết, “mối đe doạ châu chấu ở khu vực Sừng châu Phi đang vô cùng nghiêm trọng… Khoảng 30 triệu người tại các quốc gia như Ethiopia, Kenya và Somalia đang bị ảnh hưởng do tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó khoảng 10 triệu người đang sinh sống tại các khu vực bị nạn châu chấu đe doạ. Nếu cộng đồng quốc tế và chính quyền sở tại không có các biện pháp phù hợp, trong khoảng 3 - 4 tuần tới, dịch châu chấu sẽ gây ra những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”.
Trước đó cùng ngày, khi báo cáo tóm tắt với đại sứ các nước liên quan về tình hình lây lan dịch châu chấu, ông Lowcock cho biết loài côn trùng này đã tràn qua Uganda trong khi cả Tanzania và Nam Sudan đang nằm trong danh sách các nước sắp bị tác động. Khu vực này cũng đã chịu quá nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và bất ổn an ninh, vì vậy cộng đồng quốc tế cần phải có hành động kịp thời.
Theo thông báo trên trang mạng của LHQ, nạn dịch châu chấu ở Kenya đang là tồi tệ nhất trong 70 năm qua, trong khi Ethiopia và Somalia cũng đang hứng chịu nạn dịch nghiêm trọng nhất trong vòng 25 năm, khiến mùa vụ thất thu, mất an ninh lương thực và đe dọa sinh mạng của hàng triệu người dân.
Ông Lowcock cho biết, mới đây, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã đề xuất một chương trình trị giá 76 triệu USD để kiểm soát sự lây lan của dịch châu chấu. Tuy nhiên, đến nay chương trình này mới chỉ huy động được khoảng 20 triệu USD.
Ngay trước khi thảm hoạ châu chấu bùng phát, gần 20 triệu người ở khu vực phía Đông châu Phi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, với hạn hán và lũ lụt triển miên.
Châu chấu sa mạc là nguyên nhân chính tàn phá mùa màng, là một loài côn trùng sinh trưởng đơn độc sau đó tập hợp lại trong mùa sinh sản và dẫn tới hình thành những bầy lớn. Các bầy côn trùng này được hình thành ở miền Đông Ethiopia và Bắc Somalia sau đó lây lan ra toàn khu vực. Theo FAO, dịch châu chấu lần này là “bộc phát” khi một phần khu vực bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nếu diễn biến trở nên tồi tệ hơn và không thể khống chế trong vòng một năm hoặc lâu hơn, thì đó sẽ trở thành “dịch bệnh” châu chấu.
Trước đó đã có 5 dịch châu chấu sa mạc lớn trong những năm 1990, nạn dịch cuối cùng đã diễn ra hồi những năm 1987-1989 và đợt bộc phát lớn cuối cùng của loài côn trùng này là những năm 2003-2005.