Báo cáo Giám sát Giáo dục trên thế giới của UNESCO chỉ ra rằng vấn đề nghiêm trọng trên, ¨được thúc đẩy bởi sự bất bình đẳng sâu sắc vốn có¨, nay càng trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. UNESCO cảnh báo, chỉ có khoảng 1/4 các nước tại khu vực Mỹ Latinh có luật giáo dục phổ cập cho tất cả mọi người.
Trong khi Mỹ Latinh là một trong những khu vực có đa dạng ngôn ngữ bậc nhất, nhưng các hệ thống giáo dục không phải lúc nào cũng phản ánh được điều đó. Thậm chí, tại một số nơi, những học sinh không nói ngôn ngữ của bài thi (ngôn ngữ chính thức) có ít khả năng đọc được một câu truyện hơn 3 lần so với những học sinh nói ngôn ngữ chính thức. Văn bản này nhấn mạnh nguyên nhân từ sự bất bình đẳng ¨dai dẳng¨ bởi nguồn gốc bản địa, thể hiện rõ nhất tại các nước như Brazil, Mexico và Peru.
Ngoài ra, ¨sự phân biệt về kinh tế xã hội¨ tại các xã hội Mỹ Latinh cũng là yếu tố gây sâu sắc tình trạng bất bình đẳng. Báo cáo trên nhấn mạnh, có tới một nửa số học sinh tại Chile và Mexico phải được chỉ định lại các trường khác nhau để có được sự kết hợp kinh tế xã hội đồng nhất.
Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu, cơ quan trực thuộc LHQ cũng cảnh báo 40% các quốc gia trên thế giới đã không cung cấp đủ sự hỗ trợ cần thiết cho các đối tượng học sinh có nguy cơ bị tác động bởi cuộc khủng hoảng y tế này. Giám đốc phụ trách xuất bản báo cáo của UNESCO, Manos Antoninis cho hay, dịch COVID-19 đã đem đến cơ hội thực tế để xem xét lại các hệ thống giáo dục của chúng ta. Song, ông thừa nhận, để có thể chuyển đổi một thế giới không chỉ có giá trị, mà còn bao trùm được cả sự đa dạng, sẽ không phải là việc làm trong ngày một ngày hai.
Bản báo cáo của UNESCO là kết quả của nghiên cứu bao gồm một loạt các cuộc khảo sát đối với 209 quốc gia để phân tích những mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 cho Phát triển bền vững của LHQ. Theo đó, tổ chức này sẽ công bố một văn bản với đánh giá toàn diện hơn về riêng khu vực Mỹ Latinh vào tháng 10 tới đây.