Theo trang web này, một ủy ban giám sát các lệnh trừng phạt của LHQ ngày 1/7 đã thông qua quy chế miễn trừ đối với Công ty Tư vấn Agriconsulting Europe SA (AESA). Đây là công ty đã được EU đánh giá là có đóng góp hỗ trợ kỹ thuật cho các vấn đề liên quan tới lương thực" ở Triều Tiên.
AESA dự định chi khoảng 1,06 triệu euro (1,18 triệu USD) từ tháng 3/2019 tới tháng 2/2022 cho hoạt động của chi nhánh Văn phòng An ninh Lương thực tại Bình Nhưỡng, bao gồm cả chi phí nhân sự.
Các hoạt động nhân đạo không bị cấm theo các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng những nguồn lực có liên quan sẽ phải được LHQ thông qua để miễn trừng phạt.
Bên cạnh EU, Hàn Quốc cũng đang xúc tiến kế hoạch viện trợ lương thực cho Triều Tiên trong tháng này. Theo đó, Hàn Quốc dự định cung cấp 50.000 tấn gạo viện trợ cho Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP) để giải quyết tình trạng thiếu lương thực của nước láng giềng này.
Theo các nguồn tin của chính phủ, hiện các quan chức Seoul đang tiến hành thảo luận với đại diện WFP về cách thức vận chuyển để có thể được miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với tàu cũng như trang thiết bị khác được sử dụng để giao hàng.
Triều Tiên đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong nước. Theo báo cáo Tình trạng An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới năm 2019, do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 15/7, có tới gần một nửa dân số Triều Tiên bị thiếu ăn.
Sản lượng lương thực của Triều Tiên năm ngoái đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, khiến khoảng 10 triệu người dân nước này (tương đương 40% dân số) cần cứu trợ lương thực khẩn cấp.