Lời kêu gọi trên được nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đưa ra nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) và trong bối cảnh số trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 37,87 triệu người và số trường hợp tử vong vượt quá 1,08 triệu người.
Theo TTK Guterres, đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường giảm thiểu rủi ro thiên tai. Ông nói: "COVID-19 cho chúng ta thấy rằng rủi ro hệ thống đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Để xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên các vấn đề khác.”
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức hằng năm nhằm thúc đẩy nhận thức về rủi ro và giảm nhẹ thiên tai trên phạm vi toàn cầu. Trong thông điệp của mình, TTK Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của các cam kết chính trị nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).
Trong khi đó, Đặc phái viên của TTK LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Mami Mizutori một lần nữa tái khẳng định thông điệp TTK LHQ kêu gọi nỗ lực tập thể để đảm bảo giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bà nhấn mạnh “các chiến lược tốt của quốc gia và địa phương để giảm nhẹ rủi ro thiên tai phải là các chính sách liên kết đa ngành trong các lĩnh vực như sử dụng đất, quy chuẩn xây dựng, y tế công cộng, giáo dục, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, năng lượng, tài nguyên nước, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là “Quản lý rủi ro thiên tai", bởi quản trị tốt chính là con đường giảm thiểu rủi ro hiệu quả, trong khi quản trị yếu kém được coi như một yếu tố làm gia tăng mức độ rủi ro thiên tai. Chủ đề này còn nhằm truyền tải thông điệp rằng, rất nhiều thảm họa có thể phòng tránh nếu các nước có một chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai để quản lý và giảm mức độ của các rủi ro đang hiện hữu, cũng như tránh tạo gây ra những rủi ro mới.