Hội nghị nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, nâng cao tính minh bạch và tin cậy trong quan hệ quốc tế. Các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về việc tăng cường tài chính cho khí hậu, cải cách các tổ chức toàn cầu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, và thiết lập các cam kết mới để ứng phó hiệu quả hơn với các vấn đề như thiên tai và khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu tại sự kiện này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo: "Các thách thức quốc tế đang diễn ra nhanh hơn khả năng ứng phó của chúng ta. Các cuộc khủng hoảng đan xen nhau và tiếp thêm sức mạnh cho nhau. Ví dụ, khi công nghệ số làm lan rộng những thông tin sai lệch về khí hậu, điều này làm sâu sắc thêm sự nghi ngờ và gia tăng sự phân cực xã hội".
Bày tỏ sự đồng tình với Tổng thư ký LHQ, Thủ tướng Barbados Mia Mottley kêu gọi cần thiết lập lại cách thức quản trị các tổ chức toàn cầu để có thể ứng phó tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng và hỗ trợ cho những nơi cấp bách nhất. Bà nhấn mạnh: "Sự bất ổn trong các thể chế quản trị cùng với sự thiếu lòng tin giữa lãnh đạo và người dân sẽ tiếp tục gia tăng tình trạng xa cách xã hội trên toàn cầu".
Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sẽ được tiếp tục trong ngày 23/9 với những bài phát biểu từ lãnh đạo các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Dự kiến sẽ có khoảng 900 sự kiện liên quan khí hậu diễn ra tại thành phố New York nhân Tuần lễ Khí hậu năm nay, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà hoạt động vì khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phát biểu tại một sự kiện có sự tham gia của nữ diễn viên và nhà hoạt động khí hậu Jane Fonda cùng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga. Trong khi đó, một sự kiện khác do Quỹ Clinton tổ chức sẽ có sự góp mặt của Hoàng tử Harry của Anh và tài tử Matt Damon - một nhà hoạt động về nguồn nước sạch.
Các hội nghị và sự kiện về khí hậu như Tuần lễ Khí hậu tại New York đã trở nên cấp bách hơn trong những năm gần đây, khi nhiệt độ tăng cao gây ra các thảm họa cực đoan như sóng nhiệt và bão. Nhiều quan sát viên trong các cuộc đàm phán về khí hậu đã bày tỏ sự tiếc nuối khi Hiệp ước cho tương lai được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sáng 22/9 không thể đạt bước tiến xa hơn so với Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) trong việc khẳng định cam kết chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch.
Các nhà lãnh đạo cũng đang phải đối mặt thách thức khẩn cấp hơn trên chương trình nghị sự khí hậu. Chỉ còn hai tháng nữa là đến Hội nghị COP29 tại Baku (Azerbaijan), việc đạt được mục tiêu tài chính toàn cầu mới để thay thế cam kết 100 tỷ USD hằng năm sẽ hết hạn vào năm 2025 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh một số cơ quan LHQ ước tính rằng nhu cầu tài chính hằng năm sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD, các nhà lãnh đạo đang tìm kiếm các biện pháp để gia tăng nguồn tài chính khí hậu ngoài ngân sách của chính quốc gia mình. Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển đa phương khác đang trong quá trình cải cách, có thể cho phép họ cung cấp nhiều tài trợ hơn hoặc chấp nhận rủi ro liên quan đến khí hậu nhiều hơn.
Dưới sáng kiến của Barbados, Pháp và Kenya, các quốc gia cũng tiếp tục thảo luận về việc áp dụng các loại thuế toàn cầu mới để hỗ trợ tài chính khí hậu, chẳng hạn như thuế giao dịch tài chính hoặc thuế vận tải.
Tổng thư ký Khối Thịnh vượng chung Patricia Scotland nhấn mạnh rằng một số quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt với các thảm họa do khí hậu gây ra, cùng với gánh nặng nợ nần tăng lên. Bà nêu rõ: "Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để hiểu rõ sự bất công cơ bản của cuộc khủng hoảng nợ mà hầu hết các quốc gia đang phát triển đang phải chịu đựng".