Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, năm 2025 sẽ là năm đầy thách thức khi các cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn kéo dài chưa có hồi kết. Tổ chức này đã kêu gọi hơn 47 tỷ USD để cung cấp viện trợ khẩn cấp cho 305 triệu người trên toàn cầu.
Báo cáo của LHQ đề cập đến một loạt nguyên nhân gây ra khủng hoảng nhân đạo như cuộc xung đột ở Gaza, Sudan và Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và bão lũ ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, đe dọa an ninh lương thực và đẩy người dân vào cảnh nghèo đói. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của các cuộc khủng hoảng.
Giám đốc OCHA Tom Fletcher chỉ ra hệ lụy nghiêm trọng khi người dân dễ bị tổn thương không được tiếp cận dịch vụ cứu trợ nhân đạo, đó là tuổi thọ giảm, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, giáo dục gặp khó khăn, tỷ lệ tử vong bà mẹ tăng vọt và "bóng ma" nạn đói gia tăng. Ông cảnh báo rằng thế giới cần hành động ngay để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính và nhân đạo cho các nước đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, việc huy động đủ nguồn vốn đang là thách thức lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 43% trong tổng số 50 tỷ USD kêu gọi quyên góp cho hoạt động cứu trợ nhân đạo năm 2024 được đáp ứng mà theo cơ quan này khoản tiền này chỉ đủ cứu trợ 189,5 triệu người bị tổn thương nhất. Ông Tom Fletcher thừa nhận rằng có khoảng 115.000 triệu người không thể tiếp cận dịch vụ cứu trợ nhân đạo của LHQ.