Ông Dujarric cho biết ban đầu có 22 nhân viên bị bắt giữ, nhưng 6 người trong số này đã được trả tự do. LHQ hiện vẫn giữ liên lạc với một số nhân viên đang bị giam giữ. Khi được hỏi về việc LHQ có cân nhắc khả năng rút nhân viên khỏi Ethiopia hay không, ông nói: “Chúng tôi theo dõi tình hình hằng ngày và sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhân viên là người Ethiopia và người nước ngoài”.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cho hay tính đến ngày 8/11, đã có 2.398 nhân viên LHQ là người Ethiopia và 1.077 nhân viên là người nước ngoài đang hoạt động ở nước này cùng với khoảng 4.957 người phụ thuộc.
Đến nay, chính quyền Ethiopia vẫn chưa công bố lý do dẫn đến những vụ bắt giữ các nhân viên của LHQ. Tuy nhiên, đã xuất hiện thông tin về việc các nhân viên LHQ bị giam giữ có thể là người thiểu số Tigray.
Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án các vụ bắt giữ xuất phát từ lý do sắc tộc ở Ethiopia. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng hành động bắt giữ như vậy là "không thể chấp nhận được". Cũng theo ông Price, đặc phái viên Mỹ phụ trách Vùng Sừng châu Phi Jeffrey Feltman vẫn đang có mặt tại thủ đô Addis Ababa nhằm ủng hộ Liên minh châu Phi (AU) gây sức ép buộc tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Ethiopia ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch.
Ngày 2/11 vừa qua, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng trên phạm vi toàn quốc do lo ngại nguy cơ các chiến binh thuộc Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) và Quân Giải phóng Oromo tiến về thủ đô Addis Ababa. Trước đó hai ngày, Thủ tướng Abiy Ahmed đã kêu gọi người dân đứng lên cầm vũ khí để tự vệ trước TPLF.
Xung đột ở vùng Tigray bùng phát từ tháng 11/2020 giữa quân đội chính phủ liên bang và các lực lượng trung thành với đảng TPLF đang kiểm soát vùng này. LHQ cảnh báo cuộc xung đột có thể đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.