Bà Mohammed nêu rõ :"Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt sức ép nghiêm trọng. Nhiều nước đang phát triển đang chao đảo do tác động tàn phá của sự phục hồi không đồng đều từ đại dịch COVID-19 và quả bom hẹn giờ của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Tình trạng mất công bằng về vaccine vẫn tiếp diễn. Cuộc xung đột ở Ukraine giờ đây đang ảnh hưởng mạnh đến các thị trường tài chính, năng lượng và thực phẩm toàn cầu".
Bà Mohammed nhấn mạnh nhiều nền kinh tế đang bên bờ vực của vòng xoáy vỡ nợ, cắt giảm đầu tư thiết yếu, suy giảm kinh tế và thất nghiệp gia tăng. Thành quả của nhiều thập kỉ phát triển đang bị bào mòn. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo thế giới sẽ có 250 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2022, trong khi có tới 323 triệu người có thể phải đối mặt với mất an ninh lương thực gay gắt. Quá trình chuyển đổi mang tính sống còn sang năng lượng sạch và bền vững đang gặp nguy cơ lớn.
Theo bà, có dấu hiệu sớm của một cơn sóng thần khủng hoảng nợ, tình trạng thiếu thốn, sự bất mãn và bất ổn xã hội. Không có nước nào, dù phát triển hoặc đang phát triển, có thể nằm ngoài tác động kinh tế xã hội. Vì vậy SDG cần được cứu vãn khẩn cấp. Tài chính cho phát triển là một phần thiết yếu của giải pháp.
Bà Mohammed cho biết trong bối cảnh khả năng đáp ứng của thế giới còn cách xa mục tiêu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã thành lập Nhóm phản ứng khủng hoảng toàn cầu về tài chính, năng lượng và thực phẩm. Mục tiêu của nỗ lực này là đảm bảo sự lãnh đạo chính trị ở cấp cao, vượt qua cơn bão an ninh lương thực, năng lượng và thách thức tài chính và thực hiện phối hợp đáp ứng toàn cầu. Bà khẳng định hệ thống tài chính quốc tế có đủ ngân sách, và thế giới có khả năng đảm bảo tất cả các nước vượt qua cuộc khủng hoảng này mà vẫn giữ nguyên triển vọng phát triển.
Năm 2015, các nước thành viên LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, một khuôn khổ về hòa bình và thịnh vượng với 17 SDG cần đạt được thông qua hợp tác toàn cầu.