Phát biểu tại phiên họp cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra trực tuyến, ông Seth Berkley cho biết đã có 1 nước tham gia COVAX, trong đó có 76 nước giàu đủ khả năng tự chi trả vaccine. Ông kêu gọi các nước còn đang cân nhắc hãy tham gia càng sớm càng tốt. Hiện Trung Quốc, Nga và Mỹ đều chưa tham gia cơ chế COVAX, mặc dù các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ vẫn đang đàm phán với Trung Quốc. Ông Berkley nhấn mạnh từ nay đến tháng 12 tới liên minh GAVI cần khoảng 2 tỷ USD để đặt trước vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 92 nước nghèo và ít nhất khoảng 5 tỷ USD nữa để có được số vaccine này vào năm 2021.
Cũng trong phiên họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết hỗ trợ 100 triệu USD trợ giúp các quốc gia đang phát triển tiếp cận vaccine phòng COVID-19. Về phần mình, Giám đốc điều hành hãng Johnson & Johnson Alex Gorsky cam kết hỗ trợ 500 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp từ giữa năm 2021.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo đại dịch có nguy cơ đẩy 150 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2021 và những tác động tiêu cực đối với con người sẽ kéo dài nhiều thập kỷ. Ông Malpass cho rằng việc tiếp cận vaccine "rộng rãi, nhanh chóng với giá hợp lý" sẽ là trọng tâm của công tác khôi phục kinh tế toàn cầu.
Cùng ngày, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil ký một hợp đồng mua 46 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 với tổng trị giá 90 triệu USD của phòng thí nghiệm Sinovac (Trung Quốc) và dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người dân từ ngày 15/12 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria cho biết hợp đồng trên bao gồm cả kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Viện nghiên cứu Butatan của Brazil, đơn vị đang phối hợp với đối tác Trung Quốc trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Brazil. Được biết, số vaccine trên tương đương dân số của Sao Paolo, song phía Trung Quốc đồng ý sẽ cung cấp thêm khoảng 14 triệu liều vào tháng 2/2021.
Dự kiến, trong giai đoạn đầu, tất cả những người làm trong ngành y của bang Sao Paolo sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và Sao Paolo sẽ trở thành một trong những địa điểm đầu tiên trên thế giới tiêm loại vaccine này cho người dân.
Giám đốc Viện Butatan Dimas Covas thông báo đã có 7.000 tình nguyện viên được tiêm vaccine của phòng thí nghiệm Sinovac trong tổng số 13.000 tình nguyện viên được lựa chọn cho giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng dự kiến kết thúc vào giữa tháng 10 tới.
Brazil là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất Nam Mỹ với hơn 4,87 triệu ca, trong đó có gần 144.000 người tử vong.
Trong khi đó, giới chức y tế Chile cho biết đã cấp phép cho thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine ngừa COVID-19 do Sinovac và công ty Janssen thuộc hãng dược phẩm Johnson & Johnson phát triển. Theo đó, các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu được tiến hành trong khoảng 2 hoặc 3 tuần tới tại thủ đô Santiago cũng như một số thành phố khác tại Chile, và có thể kéo dài 2 năm. Các quan chức y tế của chính phủ và các nhà nghiên cứu của một số trường đại học Chile sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm này.
Chile là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất tại Nam Mỹ. Đến nay, nước này ghi nhận hơn 462.000 ca mắc và 12.741 ca tử vong.
Cũng liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, tờ Financial Times đưa tin lãnh đạo công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết sẽ không xin cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine phòng COVID-19 của công ty trước ngày 25/11. Vaccine của Moderna là một trong 11 loại vaccine COVID-19 tiềm năng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trước khi xin cấp phép sử dụng rộng rãi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng Mỹ sẽ có vaccine ngừa COVID-19 trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 tới.