Libi

Liên quân tấn công Libi

Vậy là một cuộc chiến đã nổ ra tại Libi chỉ một ngày sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 1973 áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này. Ngày 19/3, người dân Libi đã hứng chịu những quả bom, những tên lửa đầu tiên khi máy bay chiến đấu của Pháp, Anh, Mỹ không kích trên bầu trời thủ đô Tripôli.

Libi hứng "cơn mưa" tên lửa hành trình

Sáng sớm 20/3, Mỹ, Anh và Pháp tiếp tục tấn công Libi bằng hàng loạt tên lửa hành trình Tomahawk trong một cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của các nước phương Tây vào thế giới Arập kể từ cuộc chiến ở Irắc năm 2003.

Một chiếc xe tăng của lực lượng chính phủ Libi ở al-Wayfiyah bị trúng đạn của liên quân ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Thông báo với các phóng viên tại Lầu Năm góc, Đô đốc Mỹ William Cortney cho biết, các tàu chiến của Mỹ và 1 tàu ngầm của Anh đã bắn ít nhất 110 tên lửa hành trình Tomahawk vào Libi hôm 19/3. Các tên lửa nhằm vào hơn 20 hệ thống phòng không tích hợp và các cơ sở phòng không khác gần biển. Đợt không kích này khiến các thành phố ven biển của Libi rung chuyển, trong đó có thủ đô Tripôli.

Người phát ngôn Bộ chỉ huy của Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) James Stockman cùng ngày cho biết thêm, ngoài tên lửa Tomahawk, Mỹ còn huy động 19 máy bay chiến đấu, gồm cả máy bay ném bom tàng hình B2 và máy bay chiến đấu F15, F16, tham gia chiến dịch không kích Libi. Ít nhất 20/22 mục tiêu ở Libi đã bị trúng đạn trong chiến dịch không kích này.

Lực lượng ủng hộ chính phủ Libi tập trung ở Bab al-Aziziyah ngày 19/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Đợt tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk là "màn dạo đầu" của một chiến dịch của liên quân (có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Canađa và Italia) mang tên Bình minh Odyssey nhằm vào lực lượng của chính phủ Libi. Các tên lửa này được bắn đi từ các tàu chiến của Mỹ trong đó có 3 tàu khu trục và 3 tàu ngầm.

Theo hãng tin AFP, máy bay liên quân đã dội bom xuống gần Bab al-Aziziyah - khu vực tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi ở thủ đô Tripôli. Lực lượng Libi đã đáp trả bằng hàng loạt đạn nhằm vào các máy bay của liên quân. Giao tranh ở khu vực này diễn ra trong vòng khoảng 40 phút. Hàng trăm người thuộc lực lượng chính phủ Libi đã tập trung để bảo vệ Bab al-Aziziyah và sân bay quốc tế Tripôli.

Đánh giá về màn dạo đầu chiến dịch Bình minh Odyssey, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ông Michael Mullen, phát biểu với kênh truyền hình ABC rằng chiến dịch bước đầu đã thành công khi lực lượng chính phủ Libi không còn tuần hành ở Benghazi nữa.

Truyền thông Pháp ngày 20/3 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của nước này có kế hoạch rời cảng Toulon vào sớm ngày 21/3 (giờ VN) để tham gia chiến dịch quân sự tại Libi. Dự kiến tàu Charles de Gaulle chở 20 máy bay sẽ tới gần bờ biển Libi sau từ 36-48 giờ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Ignazio La Russa cho biết, nước này đã cử 8 máy bay chiến đấu sẵn sàng tham gia chiến dịch tấn công Libi.

Một số nguồn tin nước ngoài cho rằng, lực lượng biệt kích của Anh có thể đã vào Libi từ trước khi chiến dịch tấn công quân sự Libi của Mỹ và các đồng minh bắt đầu.

Nhà lãnh đạo Kadhafi tuyên bố "chiến đấu trường kỳ"

Chỉ vài giờ sau khi đợt không kích của liên quân bắt đầu, nhà lãnh đạo Kadhafi đã phát biểu trên truyền hình quốc gia, trong đó ông gọi liên quân là những kẻ khủng bố và miêu tả đợt không kích vừa diễn ra là một cuộc xâm lược, một cuộc viễn chinh thực dân "dã man, bất công" nhằm vào người Hồi giáo và người Libi nói riêng. Ông Kadhafi tuyên bố sẽ tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu dân sự, quân sự ở Địa Trung Hải.

Trong bài phát biểu ngày 20/3, ông Kadhafi nói: "Đã đến lúc mở kho vũ khí và trang bị cho dân chúng mọi loại vũ khí để bảo vệ độc lập, thống nhất và danh dự của đất nước Libi". Mọi người dân Libi đã được vũ trang bằng vũ khí tự động, bằng bom, bằng súng cối và sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu trường kỳ nhằm vào phương Tây với "một niềm tin sâu sắc, lòng kiên trì không giới hạn". Ông khẳng định: "Toàn thể người dân Libi là một khối đoàn kết… Chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc chiến toàn lực không giới hạn… Chúng tôi sẽ không rút khỏi chiến trường để bảo vệ tổ quốc và phẩm giá. Các quốc gia phương Tây sẽ không thể đặt chân lên mảnh đất Libi".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Libi khẳng định các cuộc tấn công vào Libi đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, với các đợt không kích mở màn, Pháp đã vi phạm vùng cấm bay. Do đó, hiệu lực của nghị quyết 1973 đã hết và "Libi có quyền sử dụng máy bay dân sự và quân sự để bảo vệ mình".

Với tư cách là một quốc gia thành viên độc lập của Liên hợp quốc (LHQ), Libi đã yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp.

Liên minh của Mỹ toan tính gì?

Biện hộ cho hành động tấn công quân sự Libi, Mỹ và các đồng minh tuyên bố, mục đích của họ là bảo vệ thường dân Libi trước sự đàn áp của lực lượng chính phủ Libi. Tuy nhiên, thường dân Libi đã trở thành những nạn nhân đầu tiên trong chiến dịch tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh. Ngay trong đợt tấn công đầu tiên của các máy bay chiến đấu Pháp ngày 19/3, một bệnh viện ở Benghazi đã bị trúng đạn, khiến hàng chục thường dân thiệt mạng. Thống kê chưa chính thức cho biết, sau 2 ngày liên minh của Mỹ tấn công Libi đã có 64 người thiệt mạng và 150 người bị thương.

Tuần sân bay Charles de Gaulle của Pháp rời cảng Toulon để đến Libi ngày 20/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng các bên tham gia tấn công Libi nhất trí dùng mọi phương tiện cần thiết, đặc biệt là quân sự, là để thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi chấm dứt tấn công dân thường. Mục đích trước mắt của chiến dịch tấn công quân sự này là cắt đứt nguồn tiếp viện cho chính phủ của nhà lãnh đạo Kadhafi. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố rằng, hành động tấn công quân sự Libi không phải là lựa chọn hàng đầu của Mỹ; Mỹ chỉ đang thực hiện vai trò hỗ trợ đồng minh đồng thời không dẫn đầu cuộc tấn công quân sự này. Theo ông Obama, quân đội Mỹ "hành động có giới hạn", đóng một vai trò hạn chế ở Libi và Mỹ sẽ không triển khai bộ binh.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Mỹ và các đồng minh không thể che giấu những toan tính qua hành động can thiệp quân sự vào Libi và thái độ ủng hộ lực lượng đối lập ở nước này. Theo các nhà phân tích, mục tiêu thật của chiến dịch Bình minh Odyssey là lật đổ chính quyền Libi hiện nay, tiêu diệt nhà lãnh đạo Kadhafi, dựng lên một chính quyền thân Mỹ, thân phương Tây, chốt giữ một vị trí trọng yếu trên bản đồ địa chính trị Trung Đông - Bắc Phi, qua đó, răn đe toàn thế giới.

Dư luận quan ngại

Những gì đang diễn ra ở Libi khiến dư luận quốc tế hết sức quan ngại.

Phát biểu trước báo giới tại Cairô (Ai Cập) ngày 20/3, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL), ông Amr Mussa, đã chỉ trích cuộc tấn công quân sự của liên minh của Mỹ nhằm vào Libi. Người đứng đầu AL tuyên bố, những gì đang xảy ra tại Libi hoàn toàn khác so với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay tại Libi và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào các dân thường khác. Tổng Thư ký Mussa cho biết ông đang xúc tiến để triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của 22 nước thành viên AL về những diễn biến mới nhất ở Libi.

Máy bay ném bom của Libi bốc cháy sau khi bị bắn rơi tại Benghazi ngày 19/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Trung Quốc ngày 20/3 đã ra thông báo cho biết nước này lấy làm tiếc trước các đợt không kích từ Mỹ và các quốc gia châu Âu nhằm thực thi một vùng cấm bay của Liên hợp quốc. Trong đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu khẳng định, Trung Quốc "trước sau như một không đồng ý với việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế". Trung Quốc hi vọng tình hình ở Libi sớm trở lại ổn định nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường do leo thang xung đột quân sự. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao nước này còn cho rằng các nước phải tuân theo nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định quốc tế có liên quan cũng như tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libi.

Tương tự, Nga cũng thể hiện quan điểm lấy làm tiếc trước quyết định hành động quân sự chống lại Libi của các nước phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukashevich, ngày 20/3 (giờ Việt Nam) trong một thông báo cho biết: "Nga lấy làm tiếc trước hành động quân sự dựa trên nghị quyết 1973 được thông qua một cách vội vàng này". Nga kêu gọi ngừng bắn ở Libi càng sớm càng tốt và các bên có liên quan thực hiện mọi điều có thể để dân thường không bị thương vong do các hành động quân sự. Tuyên bố của Nga cũng kêu gọi các bên đảm bảo sự an toàn cho các quan chức ngoại giao nước ngoài ở Libi.

Sau một cuộc họp kéo dài 4 giờ, Liên minh châu Phi (AU) ngày 20/3 kêu gọi quốc tế kiềm chế để tránh gây hậu quả xấu và "chấm dứt ngay lập tức" mọi cuộc tấn công nhằm vào Libi. AU nói: "Chúng tôi mong muốn sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Libi được tôn trọng, đồng thời phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nước ngoài nào". AU cũng đề nghị chính phủ Libi đảm bảo viện trợ nhân đạo cho những đối tượng gặp khó khăn và bảo vệ người nước ngoài sống ở Libi. Trong cuộc họp này, AU cũng cho biết sẽ tổ chức họp tại Êtiôpia vào ngày 25/3 tới với sự tham gia của Liên đoàn Arập, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Tổ chức hội nghị Hồi giáo để "thực hiện một cơ chế tham vấn và hành động phối hợp" nhằm giải quyết khủng hoảng ở Libi.

Các nước Mỹ Latinh, điển hình là Vênêxuêla, Cuba, Bôlivia, Nicaragoa, lên án mạnh mẽ hành động quân sự nhằm vào Libi. Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez đã gọi hành động quân sự của liên quân là "ghê tởm", "vô trách nhiệm". Ông buộc tội Mỹ và các đồng minh châu Âu là muốn "chiếm nguồn dầu mỏ của Libi" và các nước này sẽ chỉ đem đến chiến tranh, chết chóc cho người dân Libi. Trong khi đó, trong một bài báo, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro cho rằng lực lượng liên quân "chỉ mang đến sự hỗn loạn và tàn phá" cho Libi. Tổng thống Bôlivia Evo Morales cũng kịch liệt chỉ trích sự can thiệp quân sự vào Libi và cho rằng liên quân đang đổ thêm dầu vào lửa.

Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế cũng cho biết vô cùng lo ngại về tình hình Libi và kêu gọi các bên hợp tác để đảm bảo an toàn cho người dân và các tổ chức nhân đạo.

Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự tại Libi

Về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến mới hiện nay ở Libi, ngày 20/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libi với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân Libi và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia”.



Minh Dương (tổng hợp)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN