libi

Liên quân tấn công Libi:Làn sóng phản đối lan rộng

Ngày 21/3, thủ đô Tripôli của Libi lại rung chuyển vì những vụ nổ lớn, bầu trời rực sáng ánh lửa đạn khi liên quân tiếp tục tiến hành cái gọi là chiến dịch quân sự Bình minh Odyssey nhằm “thực thi tích cực nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ” về áp đặt một vùng cấm bay tại Libi, theo như lời một quan chức giấu tên của liên quân nói với hãng AFP.

Dinh thự nhà lãnh đạo Kadhafi bị không kích

Theo thông tin từ hãng AFP, các cuộc không kích của liên quân đã đẩy lùi lực lượng của chính phủ Libi khỏi thành phố Benghazi, được xem là đại bản doanh của phe đối lập, buộc quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi phải rút về thị trấn Ajdabiya. Người phát ngôn của chính phủ Libi, ông Moussa Ibrahim, cho biết, trong đêm 20/3 (đêm thứ hai liên tiếp liên quân mở các cuộc oanh kích Libi), một quả tên lửa đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà hành chính trong dinh thự của của ông Kadhafi ở Tripôli. Ông Ibrahim nhấn mạnh: “Đây là một vụ đánh bom dã man, có thể làm thiệt mạng hàng trăm dân thường vì họ đang tụ tập cách đó chỉ khoảng 400 m”. Ông Ibrahim cũng lên án “sự mâu thuẫn trong các phát biểu của phương Tây” khi họ tuyên bố bảo vệ dân thường nhưng vẫn đánh bom vào nơi mà họ biết dân thường đang có mặt.

Tòa nhà hành chính của nhà lãnh đạo Kadhafi bị tàn phá sau cuộc không kích của liên quân đêm 20/3.


Về phía Oasinhtơn, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Phó Đô đốc Bill Gortney, phủ nhận việc liên quân nhằm vào nhà lãnh đạo Kadhafi hoặc dinh thự của ông này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 21/3 cũng nhấn mạnh việc liên quân tìm cách tiêu diệt ông Kadhafi sẽ là “không khôn ngoan”. Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh BBC ngày 21/3, Ngoại trưởng Anh William Hague từ chối loại trừ khả năng các cuộc không kích của liên quân nhằm trực tiếp vào ông Kadhafi. Theo ông Hague, khả năng này phụ thuộc vào “hoàn cảnh ở từng thời điểm”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox tuyên bố rằng, người đứng đầu chính phủ Libi có thể là “mục tiêu hợp pháp” của chiến dịch Bình minh Odyssey.

Các cuộc tấn công của liên quân diễn ra trong bối cảnh lực lượng chính phủ Libi đã tuyên bố lệnh ngừng bắn mới, từ 21 giờ 00 ngày 20/3 giờ địa phương (tức 2 giờ 00 sáng 21/3 giờ VN). Tuy nhiên, tuyên bố này của Libi đã bị Mỹ bác bỏ. Phát biểu với báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon của Nhà Trắng cho rằng lệnh ngừng bắn này “không thực tế và đã bị vi phạm ngay lập tức”. Ông này cho biết thêm, Mỹ và các đồng minh đã có “ngày thuận lợi đầu tiên” trong hành động can thiệp vào Libi. Anh cũng tuyên bố sẽ xem xét cam kết của Tripôli về một lệnh ngừng bắn trên cơ sở “hành động chứ không phải lời nói”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thì bày tỏ hy vọng quân đội Libi giữ đúng cam kết, thực hiện tuyên bố ngừng bắn mới.

Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ huy động hai tàu khu trục loại nhỏ của Anh là HMS Wesminter và HMS Cumberland, triển khai máy bay đến một căn cứ quân sự ở Italia để chuẩn bị tham gia đợt tấn công mới nhằm vào Libi mang tên "Chiến dịch Ellamy". Pháp cũng xác nhận đã cử một loạt tàu đến Libi trong đó có ba tàu khu trục nhỏ, một tàu chở nhiên liệu và tàu sân bay Charles de Gaulle với thủy thủ đoàn 2.000 người và 20 máy bay chiến đấu.

Ngày 21/3, Cata đã quyết định tham gia chiến dịch quân sự tại Libi bằng việc điều động 4 máy bay chiến đấu. Đây là quốc gia Arập đầu tiên tham gia can thiệp quân sự vào Libi. Mạng www.monstersandcritics.com dẫn tin của hãng DPA (Đức) cùng ngày cho biết, máy bay chiến đấu của Italia và Đan Mạch đã bắt đầu tham gia chiến dịch nhằm thực thi vùng cấm bay trên bầu trời Libi.

Làn sóng phản đối gia tăng

Phản ứng trước chiến dịch quân sự của Mỹ, Anh, Pháp và các đồng minh nhằm vào Libi, ngày 21/3, nhiều nước trên thế giới đã lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của liên quân chống Libi.

Người dân ở thủ đô Tripôli biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Kadhafi.


Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa cho rằng, chiến dịch quân sự tại Libi “đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay” và giết hại nhiều người Libi vô tội. Theo ông Moussa, chiến dịch này không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào dân thường.

Nga một lần nữa kêu gọi liên quân chấm dứt sử dụng vũ lực bừa bãi vì có thể sát hại nhiều dân thường Libi. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho rằng các cuộc không kích đã vượt quá quyền hạn cho phép trong nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ. Nga phản đối và kêu gọi liên quân ngừng ngay cuộc không kích chống Libi, đồng thời phải thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc.

Chính phủ Cuba ra tuyên bố lên án mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào mâu thuẫn nội bộ Libi. Cuba cáo buộc các thế lực phương Tây đã âm mưu tạo cớ để xâm lược Libi, và khẳng định những thế lực này phải chịu trách nhiệm về những thương vong mà họ gây ra đối với dân thường Libi cũng như những thương vong mà họ đã gây ra trong các cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Tuyên bố kêu gọi thúc đẩy đối thoại và ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của người Libi trước sự can thiệp từ bên ngoài.

Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Xã hội Liên minh Bôliva dành cho châu Mỹ (ALBA) đang diễn ra tại Bôlivia, Tổng thống Bôlivia Evo Morales đã cực lực phản đối hành động tấn công quân sự của phương Tây chống Libi. Chính phủ Êcuađo tuyên bố hành động quân sự của nước ngoài tại Libi là “không thể chấp nhận được”, chỉ làm leo thang bạo lực tại Libi. Về phần mình, Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez tố cáo “các cuộc ném bom điên rồ của đế quốc” đang làm dân thường Libi thiệt mạng, đồng thời khẳng định phương Tây không có quyền can thiệp vào cuộc xung đột tại Libi và phải chấm dứt ngay các hành động tấn công Libi.

Cùng ngày, Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) tại Angiêri ra tuyên bố kêu gọi phương Tây ngừng ngay việc sử dụng vũ lực chống Libi và cảnh báo tình hình tại Libi hiện nay “nghiêm trọng và rất đáng lo ngại”. Tuyên bố của MSP chỉ trích hành động tấn công quân sự của phương Tây đã đi chệch mục tiêu bảo đảm an ninh, ổn định và sự đoàn kết của Libi. MSP kêu gọi Angiêri tận dụng các kênh ngoại giao của nước này với Arập, châu Phi để nhanh chóng tìm ra giải pháp phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Libi, đồng thời tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.

Cũng trong ngày 20/3, hàng trăm người tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) đã xuống đường biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Libi. Phát biểu trước những người biểu tình, ông Paolo Gilardi, Chủ tịch Đảng Cánh tả chống chủ nghĩa tư bản, nêu rõ: “Nhân dân các dân tộc trên thế giới có quyền tự quyết vận mệnh của mình. Cuộc tấn công Libi của phương Tây là nhằm vào nguồn dầu mỏ của nước này”.

Liên quân chia rẽ quan điểm

Ngày 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định quân đội Mỹ có kế hoạch can thiệp một cách giới hạn ở Libi. Ông Gates nói rằng Mỹ sẽ không đóng vai trò nổi bật trong liên minh chống nhà lãnh đạo Kadhafi và dự kiến chuyển giao trách nhiệm chính của sứ mệnh hiện nay cho các nước khác trong vòng vài ngày.

Trong khi đó, các nước thành viên NATO vẫn bất đồng về vai trò của NATO trong chiến dịch quân sự ở Libi. Anh, Italia và một số nước thành viên nhỏ khác đề nghị NATO đảm nhận vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libi. Tuy nhiên, Pháp, mặc dù là nước khai hỏa hành động quân sự của nước ngoài ở Libi, vẫn phản đối việc trao chiếc gậy chỉ huy quân sự ở Libi cho NATO vì sợ rằng quyết định này có thể gây làn sóng phẫn nộ ở các nước Arập.

Về phần mình, Tổng thống Síp Demetris Christofias tuyên bố phản đối việc sử dụng những căn cứ quân sự Anh tại khu vực Địa Trung Hải để tấn công Libi. Ông cũng thừa nhận rằng trong cuộc họp bất thường mới nhất, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không đạt được nhất trí về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.

Theo nhận định của giới phân tích, liên quân có thể còn tiếp tục bộc lộ những bất đồng nếu chiến dịch tấn công Libi kéo dài trong nhiều tuần. Mâu thuẫn nổi bật nhất trong nội bộ liên quân là mâu thuẫn về mục tiêu. Mỹ tuyên bố mục tiêu của chiến dịch Bình minh Odyssey là bảo vệ dân thường và viện trợ nhân đạo, chứ không phải lật đổ ông Kadhafi.

Ngược lại, mục tiêu mà Anh và Pháp tuyên bố rõ ràng là “hạ bệ” nhà lãnh đạo Libi. Bên cạnh đó, chiến dịch không kích toàn diện của liên quân sẽ ngốn tới 150 triệu USD/tuần và chắc chắn các nước châu Âu sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng chính trị vì họ đang phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và cắt giảm ngân sách quốc phòng do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Nam Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN