Nga và Australia vốn cạnh tranh trên nhiều thị trường then chốt, từ khí đốt, than đá đến lúa mì và lúa mạch. Do vậy, Canberra sở hữu cơ hội để lấp đầy khoảng trống năng lượng do Nga để lại sau khi Điện Kremlin chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong bối cảnh địa chính trị không ổn định, nhiều quốc gia châu Á tìm đến những nước lân cận để xử lý bài toán khó khăn năng lượng.
Nhà xuất khẩu LNG lớn nhất Australia-Woodside đã báo cáo nhu cầu tăng vọt từ châu Á. Trong khi xuất khẩu LNG của Mỹ và Qatar được chuyển hướng sang châu Âu vào tháng 3, Australia đã gửi thêm 9 chuyến hàng LNG đến Hàn Quốc và Nhật Bản và có thể sẽ giành thêm thị phần từ Nga.
Cùng thời điểm, các công ty khai thác than đá của Australia đang phải nỗ lực để theo kịp nhu cầu kỷ lục, điều này đã khiến giá than đá tăng vọt. Giá than giao sau tại Newcastle (Australia) đã tăng lên hơn 400 USD/tấn vào đầu tháng 3 và hiện vẫn ở mức khoảng 350 USD. Một số nhà sản xuất vào tháng 4 báo cáo than của Australia đã bán hết do nhu cầu tăng.
Tuy nhiên, về dài hạn, triển vọng lại không rõ ràng. Mặc dù Australia được đánh giá là nước “hậu thuẫn” năng lượng cho khu vực châu Á ở thời điểm này, nhưng xu hướng của các quốc gia châu Á là hướng tới tự cung tự cấp năng lượng. Xu hướng này có thể sẽ được đẩy nhanh tốc độ bởi khủng hoảng hiện nay. Áp lực địa chính trị, kết hợp với một loạt các ưu đãi mới về giá có thể cho thấy sự gia tăng năng lượng tái tạo, giảm sự thuộc vào nhập khẩu và làm giảm nhu cầu đối với năng lượng của Australia.
Nhà phân tích Bruce Robertson tại Viện năng lượng IEEFA (Australia) nhận định: “Xung đột Nga-Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các quốc gia trên khắp thế giới. Nhiều chính phủ đang theo dõi châu Âu, đặc biệt là Đức, và nhận thấy nhu cầu mới về độc lập năng lượng. Nếu bạn có thể tự sản xuất năng lượng, bạn sẽ an toàn hơn nhiều khi phụ thuộc vào nhập khẩu”.
Nhật Bản và Trung Quốc, hai trong số những khách hàng mua tài nguyên lớn nhất của Australia, đều đang tìm cách giảm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng chủ chốt. Một nghiên cứu gần đây của các học giả Đại học Quốc gia Australia cảnh báo sản lượng than nội địa Trung Quốc đang tăng lên đồng nghĩa với việc nước này cắt giảm mạnh nhập khẩu từ Australia và dự báo đến năm 2025 sẽ giảm 25%.
Nhà phân tích Bruce Robertson nêu rõ: “Trung Quốc không muốn phụ thuộc vào năng lượng Australia. Nhiều khả năng Trung Quốc vẫn duy trì các dự án hiện tại nhưng không có nhiều kỳ vọng nước này sẽ ký hợp đồng cho dự án LNG mới. Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã không ký hợp đồng LNG mới với Australia”.
Nhật Bản trong khi đó là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới và có quan hệ đối tác thương mại lâu dài với Australia. Tuy nhiên, Tokyo vào ngày 8/5 tuyên bố sẽ loại bỏ dầu thô của Nga và cũng đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp nhiều hơn.
Ông Robertson cho biết: “Nhật Bản hướng đến năm 2030 giảm một nửa lượng LNG nhập khẩu. Nhật Bản là thị trường lớn nhất với LNG của Australia và chiếm 1/3 lượng xuất khẩu LNG của Australia. Nếu Nhật Bản đạt được mục tiêu nước này đề ra thì đó sẽ là cú sốc với khí đốt của Australia”.
Các nhà cung cấp LNG của Australia đang hướng đến thị trường mới nổi Nam Á tuy nhiên vẫn có những rào cản. Pakistan đang trong quá trình tranh chấp hợp đồng xoay quanh các dự án vỡ nợ với công ty năng lượng đa quốc gia ENI và Gunvor. Bangladesh, trong khi đó, đã hết tín dụng để mua LNG với giá thị trường giao ngay cao ngất ngưởng.
Đáng chú ý là Australia vẫn có “át chủ bài” cho năng lượng của nước này ở thời điểm năng lượng tái tạo đang manh nha.
Australia có bức xạ Mặt Trời trên mỗi mét vuông cao nhất thế giới và nhận được khoảng 58 triệu petajoule ánh nắng Mặt Trời mỗi năm. Những nỗ lực để tận dụng ưu thế này đang được tiến hành. Dự án Australia-Asia PowerLink, dự kiến hoàn thành vào cuối thập niên này, sẽ giúp cung cấp điện cho Singapore và Indonesia qua trang trại năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới ở miền bắc Australia.