Các quan chức của đảng Đổi mới Sandra Khadhouri, James Clarke và James Torrance tại lễ thành lập đảng ở London ngày 19/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là một trong các sáng kiến của những người ủng hộ Anh ở lại EU nhằm đem lại hy vọng mới sau khi nhận thấy một sự thay đổi về nhận thức trong công luận Anh.
Trên trang web của mình, đảng Đổi mới nêu rõ: "Chúng tôi muốn đảo ngược tiến trình Brexit và khôi phục vị thế ảnh hưởng của Anh tại châu Âu, cho phép chúng ta tập trung giải quyết các vấn đề thực sự bên trong vương quốc". Chính đảng mới này cho biết hiện đảng đã quy tụ hơn 300 ứng cử viên sẵn sàng ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, và có ý định tập hợp tổng cộng 650 người ra tranh cử tại mỗi đơn vị bầu cử ở Anh.
Đảng Đổi mới do cựu Bộ trưởng Tài chính Chris Coghlan thành lập từ trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2017, lấy cảm hứng từ đảng Tiến bước (En Marche!) ở Pháp từng đưa ông Emmanuel Macron lên làm tổng thống. Ông Coghlan đã ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, với chủ trương phản đối Brexit, và đã về thứ 4 với 1.234 lá phiếu ủng hộ tại Battersea, phía Nam thủ đô London. Cuộc bầu cử tới theo luật định sẽ phải đến năm 2020, nhưng nhiều nhà bình luận tin rằng có thể sẽ diễn ra trước thời hạn vì tình trạng bấp bênh của Thủ tướng Theresa May hiện nay cũng như những tranh cãi nội bộ đảng Bảo thủ của bà.
Chiến lược gia trưởng của đảng Đổi mới, ông James Torance cho biết đảng này "sẽ cứng rắn đối với Brexit, và không nhượng bộ với các nguyên nhân dẫn tới Brexit". Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ gây sức ép để các nghị sĩ tính đến lợi ích quốc gia và đưa chiến dịch "Ở lại" lên bàn bỏ phiếu trong một cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận cuối cùng với EU".
Vài tuần qua, một số nhà vận động đã kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit và gây sức ép để các nghị sĩ quốc hội phản đổi thỏa thuận Brexit khi văn kiện này được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội trong năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017 cũng cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng đối với phe "Ở lại" EU.
Đảng Đổi mới đặt mục tiêu giải quyết cái mà họ gọi là các nguyên nhân gốc rễ của cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, trong đó 52% cử tri bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU. Theo đảng này, cuộc trưng cầu trên là "một lời thức tỉnh rằng nước Anh đang bị chia rẽ và bất mãn vì tình trạng bất công". Đảng này khẳng định: "Rời khỏi EU sẽ chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn" và nhấn mạnh "cần xem xét lại Brexit, vì giờ đây chúng ta đã hiểu nó rõ hơn".
Đảng này cũng cho biết sẽ tập trung giải quyết tình trạng bất công bằng cách nâng lương tối thiểu, củng cố cơ sở hạ tầng ở ngoại ô London và xây thêm nhiều nhà ở cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, đảng này cam kết tìm cách tốt hơn để xử lý vấn đề nhập cư, một trong những vấn đề chính khiến Anh nghĩ đến Brexit.