Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong kế hoạch chấm dứt đại dịch đã đặt mục tiêu đến cuối năm nay tiêm vaccine COVID-19 cho 40% dân số của tất cả các quốc gia và đến giữa năm 2022 là 60%.
Ông Romilly Greenhill tại tổ chức phi chính phủ One đánh giá mục tiêu tiêm vaccine cho toàn thế giới có vẻ tham vọng nhưng là cần thiết. Ông Greenhill cho rằng đến cuối năm 2022 nên đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới nếu không sẽ có thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 hình thành.
Ông Liam Sollis tại UNICEF Anh đánh giá phân phối công bằng vaccine COVID-19 là ưu tiên hàng đầu và thứ hai là đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo nguồn cung đáp ứng mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 toàn thế giới.
Tờ Guardian (Anh) đánh giá không có quốc gia nào dự định tiêm vaccine cho mọi người trưởng thành. Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, chỉ cần có 60-70% người dân được tiêm.
Bác sĩ Bruce Aylward - cố vấn cấp cao tại WHO - đánh giá các quốc gia cần được nhận nguồn vaccine COVID-19 ổn định để thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả, vốn cần đầu tư về nhân lực và tài chính.
Chương trình COVAX do Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng sáng lập, đảm bảo phân phối vaccine COVID-19 toàn cầu được coi là “con đường” để đưa vaccine đến các quốc gia thu nhập thấp.
COVAX đã ký thỏa thuận với các nhà sản xuất mua 2 tỷ liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay. Tuy nhiên kế hoạch gặp phải cản trở do nhà cung cấp chính là Viện Serum tại Ấn Độ không thể đảm bảo thực hiện đủ hợp đồng với COVAX trước cuối năm nay.
Câu trả lời hiện nay để bù đắp cho thiếu hụt là quyên góp từ các quốc gia khác. Anh đã cam kết quyên góp vaccine COVID-19 cho COVAX. Anh vốn nắm trong tay đủ vaccine COVID-19 để tiêm cho toàn bộ dân số-500 triệu liều với 8 loại vaccine khác nhau.
Nhưng các chuyên gia cho rằng cần triển khai điều này ngay lập tức thay vì đợi đến tháng 12 bởi vẫn đang có nhiều người tử vong vì dịch COVID-19. Dự kiến đến mùa Thu, sẽ có thêm nguồn cung vaccine COVID-19 đối với các quốc gia thu nhập thấp. Nhưng một vấn đề là nếu nguồn cung vaccine COVID-19 không được quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng hết hạn vaccine bởi những quốc gia thu nhập thấp chưa có đủ phòng khám cùng thiết bị trữ lạnh cũng như nhân viên y tế.
Hiện nay số cơ sở sản xuất vaccine trên toàn thế giới còn khá khiêm tốn, đặc biệt ở những quốc gia thu nhập thấp. AstraZeneca hiện đã thỏa thuận với hơn 20 nhà máy sản xuất vaccine trên toàn thế giới bao gồm cơ sở tại Mexico, Indonesia, Trung Quốc và Viện Serum ở Ấn Độ.