Đại sứ quán Nga tại Washington chia sẻ với tờ Newsweek: “Cộng đồng quốc tế cần đặt mục tiêu chính trị sang một bên để tham gia nỗ lực hỗ trợ Syria tái thiết sau khi bị tổn thất bởi chiến tranh. Luôn có chỗ cho hợp tác giữa Mỹ và Nga tại Syria”.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa điều này, Nga và Mỹ cần vượt qua các bất đồng từ thời Chiến tranh Lạnh. Washington và Moskva từng có điểm chung tại Syria là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng đến nay, để tăng cường nỗ lực chung, hai quốc gia phải nhìn nhận được những lĩnh vực chung quan điểm. Và Nga đã nêu bật được 3 lĩnh vực chung.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ phân tích: “Chúng tôi chỉ chào đón hợp tác với Washington qua hỗ trợ nhân đạo, chống khủng bố và thúc đẩy tiến trình chính trị với mục tiêu chung để đạt được hòa bình”.
Bên cạnh đó, đại sứ quán Nga cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi chân thành hy vọng rằng chính quyền mới sẽ xem xét lại các chiến thuật trước đây về Syria. Điều quan trọng là dừng các lệnh trừng phạt độc ác đối với người dân Syria và chấm dứt hiện diện quân sự trái phép tại đây”.
Các lệnh trừng phạt Mỹ đã áp đặt lên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các thực thể liên quan tới ông vẫn có hiệu lực dưới thời Tổng thống Biden. Trong đó có cả Đạo luật Caesar nhắm tới những người ủng hộ chính phủ Tổng thống al-Assad về chính trị, ngân hàng và thương mại. Đạo luật này có hiệu lực từ tháng 6/2020. Mục đích của các lệnh trừng phạt và Đạo luật Caesar là đẩy Tổng thống Bashar Assad tới thỏa thuận chính trị.
Ở thời điểm này, chính phủ Syria kiểm soát 2/3 diện tích quốc gia. Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) chiếm giữ vùng Đông Bắc. Khoảng 900 binh sĩ Mỹ vẫn đồn trú tại Đông Bắc Syria để phối hợp cùng SDF duy trì và quản lý các địa điểm khai thác khí đốt, dầu mỏ. Tuy nhiên, chính phủ Syria không cấp phép cho hoạt động này.
Chính quyền Tổng thống Biden đã chỉ đạo xem xét lại hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn cầu tuy nhiên chưa hề đề cập đến động thái liên quan tới tương lai binh sĩ nước này ở Syria.
Damascus đã phối hợp cùng Moscow đề nghị lãnh đạo mới của Mỹ áp dụng phương pháp mới với tình hình Syria. Phía Damascus đề nghị chính quyền Tổng thống Biden từ bỏ những chính sách “hướng đến gây bất ổn an ninh Syria qua khiêu khích, tà trợ lực lượng nổi dậy, tận dụng khủng bố…”.
Nga đã cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách chấm dứt xung đột tại Syia qua đối thoại và hòa giải quốc tế. Trong khi đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng 2 chia sẻ với Newsweek rằng Washington “cam kết giải quyết qua chính trị theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để chấm dứt xung đột tại Syria”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 11/3 phát biểu tại một cuộc họp báo thừa nhận ông Bashar al-Assad vẫn “nắm giữ quyền lực sau 10 năm nội chiến”. Tuy nhiên, ông Price cũng nhấn mạnh Washington chỉ thay đổi phương pháp khi Damascus có chuyển biến.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Geir Pederse đã đề cập đến hình thức thúc đẩy ngoại giao mới trong cộng đồng quốc tế về Syria cần có sự tham gia của Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Arab và Liên minh châu Âu cùng các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh. Nhưng ông Pedersen đánh giá quả bóng đang ở sân của Mỹ và “cần có bàn luận sâu hơn với chính quyền Tổng thống Biden”.