Theo Thủ tướng Litva Ingrida Šimonyté, đây là lần đầu tiên nước này ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm hạn chế việc di cư ở biên giới. Tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong một khu vực rộng 5 km dọc biên giới với Belarus và cả trong các trại di cư. Theo đó, các lực lượng biên phòng được phép sử dụng nhiều biện pháp an ninh để ngăn người di cư vào Litva và việc đi lại của người dân tại khu vực cũng bị hạn chế trong thời gian này.
Ngày 8/11, Litva thông báo đang chuyển quân đến biên giới với Belarus nhằm tăng cường an ninh cho khu vực này do lo ngại dòng người di cư từ Belarus. Ba Lan trước đó cũng đã đóng cửa biên giới với Belarus do lo ngại tình trạng di cư ồ ạt đe dọa sự ổn định và an ninh của toàn Liên minh châu Âu (EU) khi có tới 3.000 đến 4.000 người di cư tập trung gần biên giới hai nước và hơn 10.000 người khác đang ở nhiều khu vực của Belarus để chuẩn bị vượt biên.
Ba Lan cáo buộc Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU trừng phạt nước này liên quan vấn đề nhân quyền. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik kêu gọi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn với Minsk trong khi các nước Baltic như Lítva, Latvia và Estonia cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Trước đó, Mỹ và EU đã lên tiếng đề nghị Minsk có hành động ngăn chặn dòng người di cư đang tràn đến "lục địa già". Ngày 8/11, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng cáo buộc Minsk cố tình để tình trạng này xảy ra "vì mục đích chính trị" trong khi Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.
Về phần mình, Minsk luôn bác bỏ cáo buộc này. Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ đồng thời đồng thời cho rằng Ba Lan đang cố tình làm leo thang căng thẳng. Bộ trên cho biết Ba Lan đã triển khai 10.000 binh lính đến khu vực biên giới với Belarus mà không thông báo trước với Minsk, cho rằng động thái này vi phạm các thỏa thuận an ninh chung. Minsk dẫn nội dung các thỏa thuận nêu rõ bất kỳ bên nào muốn triển khai hơn 6.000 binh lính đến khu vực biên giới đều phải thông báo để bên còn lại đưa quan sát viên tới khu vực. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Belarus Ivan Kubrakov cho biết những người di cư từ Trung Đông đến nước này theo con đường hợp pháp, không vi phạm luật di cư.
Trong diễn biến liên quan, 3 nhà ngoại giao EU tiết lộ khối này đang tiến gần tới quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus - nhằm vào khoảng 30 cá nhân và thực thể, trong đó có Ngoại trưởng Vladimir Makei và hãng hàng không Belavia. Dự kiến, quyết định này sẽ được thông qua sớm nhất là trong tuần tới. Vòng trừng phạt mới sẽ nhằm vào các quan chức Belarus bị EU cho là đã tổ chức hoạt động di cư để trả đũa những biện pháp trừng phạt đối với Minsk do tình trạng vi phạm nhân quyền.
Theo các nguồn tin trên, các quốc gia thành viên EU cũng cân nhắc mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus, vốn được áp đặt từ tháng 7 nhằm vào lĩnh vực tái bảo hiểm địa phương và công ty BelarusRe thuộc sở hữu nhà nước.