Theo đó, đề xuất 8 điểm mà Nga dự thảo trước cuộc đàm phán quốc tế diễn ra ở Vienna (Áo) ngày 14/11 tới đây không loại bỏ việc Tổng thống Bashar al-Assad tham gia tranh cử - vấn đề mà các “đối thủ” của ông cho là không thể chấp nhận được khi nói đến hòa bình cho Syria. Tài liệu cho rằng, các bên liên quan tại Syria cần phải đạt đồng thuận về những bước đi 8 điểm này tại cuộc gặp tới ở Vienna do Liên hợp quốc đứng ra bảo trợ; lưu ý rằng tiến trình cải cách này sẽ không do ông Assad chủ trì, mà do một nhân vật được các bên chỉ định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại cuộc gặp với đồng cấp người Syria Bashar al-Assad ở Moskva hôm 20/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nga, Iran được cho là những đồng minh thân cận hậu thuẫn cho Damascus trong cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua ở Syria. Ở phía đối lập là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh vùng Vịnh, lực lượng cho rằng ông Assad phải thoái lui thì mới có được hòa bình. Moskva gần đây đã đẩy nhanh những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột Syria vốn là nguyên nhân làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người khác phải ly hương, chạy nạn. Tại vòng đàm phán quốc tế hồi tháng trước ở Vienna, Moskva bày tỏ mong muốn các phe nhóm đối lập ở Syria sẽ tham gia vào các cuộc hội đàm sắp tới.
Theo dự thảo, các nhóm chính trị tham gia vào tiến trình chính trị này cần phải đứng trung trong một “phái đoàn thống nhất” và phải tự thỏa thuận với nhau từ trước. “Họ cần có cùng mục tiêu ngăn chặn quân khủng bố lên nắm quyền ở Syria và bảo đảm một nước Syria thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị”, Reuters dẫn một đoạn trong báo cáo.
Khó đồng thuận
Việc phương Tây giữ quan điểm về tương lai chính trị của ông Assad đồng nghĩa rằng các bên sẽ rất khó để đạt được một sự đồng thuận liên quan đến đề xuất của Moskva. “Làm sao có thể tạo dựng được hòa bình ở một quốc gia trải qua cuộc nội chiến đẫm máu làm khoảng 250.000 – 300.000 người chết mà không loại trừ nguyên nhân gốc rễ cuộc chiến? Chúng tôi không tin là có thể đưa các nhóm đối lập tham gia vào tiến trình chính trị và thiết lập một lệnh ngừng bắn hiệu quả, trừng nào chưa có sự thống nhất rõ ràng về việc Tổng thống Assad phải ra đi”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ hôm 9/11. Ông Assad giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2014, với một nhiệm kì 7 năm.
Giới chức phương Tây nhìn nhận, rất khó để các nước đối địch với ông Assad đồng ý về đề xuất mà Nga dự thảo. “Văn bản này không thích hợp với nhiều người”, một nhà ngoại giao phương Tây bình luận. Nhân vật này cũng tiết lộ, các bên phản đối dự thảo của Nga đang phối hợp với nhau, hướng đến mục tiêu không để Moskva xem đây là nền tảng cho các cuộc đàm phán.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phủ nhận việc Nga dự thảo một tài liệu như vậy trước thềm cuộc gặp ở Vienna với tuyên bố “thông tin này là không đúng với thực tế”. Theo bà, Nga sẽ tập trung vào hai điểm trọng tâm tại vòng đàm phán tới. “Một là, hệ thống hóa và có được nhận thức đúng về việc xem ai là quân khủng bố ở Syria và khu vực. Kế đến là lập một danh sách đại diện cho phe đối lập Syria để đàm phán với Damascus. Sự chuẩn bị của chúng tôi cho cuộc gặp ở Vienna là dựa trên văn bản được thông qua tại cuộc hội đàm hôm 30/10” - nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ.