Trung Quốc vẫn bất chấp dư luận, tiếp tục gia tăng hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại Biển Đông. |
Lưỡng nguyệt san “Lợi ích Quốc gia” số mới nhất đã đăng bài viết “Kẻ địch lớn nhất của Trung Quốc chính là dư luận toàn cầu” của nghiên cứu viên cao cấp Hoàng Dục Xuyên thuộc Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie.
Tác giả dẫn kết quả điều tra dân ý cho biết dù là nước lớn giữ vai trò chi phối toàn cầu hay nước nhỏ là láng giềng của Trung Quốc đều có cảm giác bất an nghiêm trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cụ thể:
Ở Mỹ, đại đa số người dân đều lo lắng trước thực lực kinh tế ngày một tăng của Trung Quốc, cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đe dọa địa vị toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc là nước không đáng tin.
Thực tế này kích thích sự ra đời của các biện pháp trừng phạt Trung Quốc cũng như cáo buộc Trung Quốc trợ cấp bất bình đẳng cho hàng hóa xuất khẩu của mình trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời, tăng thêm lý do gạt Trung Quốc ra khỏi sân chơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ khởi xướng.
So với Mỹ, các nước châu Âu không tồn tại quan hệ đối kháng nước lớn, cho nên, người châu Âu không có thái độ tiêu cực với Trung Quốc như người Mỹ, nhưng lại khá mâu thuẫn.
Nhìn chung, do quan hệ lịch sử, cách nhìn nhận của người Đông Âu về Trung Quốc thường khá tích cực, còn tại Tây Âu, cách nhìn nhận của người dân và chính phủ đối với Trung Quốc rất khác nhau mà Anh và Đức là hai ví dụ điển hình.
Về mặt chính quyền, Đức và Trung Quốc có quan hệ kinh tế chặt chẽ bởi Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) còn Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở châu Á.
Tuy nhiên, người dân Đức lại có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc hơn người dân các nước châu Âu khác, trong đó phải kể đến vai trò “đổ dầu vào lửa” của một số cơ quan truyền thông đầy thù địch với Trung Quốc.
Trường hợp của Anh, nhiều người cho rằng xuất phát từ thái độ của Anh đối với phương thức Trung Quốc quản lý Hong Kong và thâm hụt thương mại Anh đối với Trung Quốc lớn hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, có thể thấy cách nhìn nhận của Anh đối với Trung Quốc sẽ khá tiêu cực.
Nhưng nhân dân hai nước lại giao lưu rộng rãi, cộng thêm hợp tác trong lĩnh vực du lịch và giáo dục cùng mối liên hệ cùng thắng trong lĩnh vực tài chính và phục vụ, thái độ tiêu cực của Anh đối với Trung Quốc giảm bớt.
Cho nên, việc Anh đi đầu gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng thành lập không có gì kỳ lạ.
Tại châu Á, cách nhìn nhận về Trung Quốc hiện nay không còn tích cực như mấy năm sau khủng hoảng tài chính châu Á. Khi đó, sự giúp đỡ về tài chính cũng như thế tiến công quyến rũ của Trung Quốc đã nhận được tình cảm tốt đẹp.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước liên quan ngày một căng thẳng, nhất là với Nhật Bản, Việt Nam, Phillipines. Ngay cả các nước như Malaysia, Thái Lan và Indonesia trước đây có cái nhìn tương đối tích cực về Trung Quốc, nay cũng thay đổi.
Ở châu Mỹ Latin và châu Phi, do sự trỗi dậy của Trung Quốc giúp các nước trong khu vực chấn hưng kinh tế, cho nên, họ có cái nhìn tương đối tích cực về Trung Quốc. Nhưng giờ đây, họ lại lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ phá hoại tiền đồ phát triển của họ.
Ngoài ra, kết quả điều tra của Hiệp hội Vấn đề toàn cầu Chicago (Mỹ) cho thấy ở Mỹ có gần 50% số người được hỏi coi Trung Quốc là mối đe dọa quân sự. Tỉ lệ này ở châu Á là trên 33%.
Đại đa số người Mỹ cho rằng thực lực kinh tế Trung Quốc chứ không phải quân sự quyết định năng lực ảnh hưởng tới sự vụ toàn cầu của nước này. Nhưng ngày nay, do các cuộc tấn công mạng, tranh chấp lãnh thổ và xung đột trên biển, người dân đã chú ý nhiều hơn tới các vấn đề liên quan tới an ninh.
Rủi ro càng gia tăng khi tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và các nước láng giềng ngày một tăng. Điều này khiến các nước láng giềng của Trung Quốc hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò lớn hơn trong khu vực, bao gồm việc mở rộng hiện diện quân sự.
Trước đây, Mỹ là nước lớn giữ vai trò chi phối khu vực. Nhưng Trung Quốc ngày một trỗi dậy, lại còn mong muốn xây dựng cái gọi là “quan hệ nước lớn kiểu mới” và điều này khiến nhận thức của người dân đối với Trung Quốc thay đổi, chuyển sang cảm giác bất an.
Hiện nay, người ta chưa rõ căng thẳng leo thang cuối cùng có dẫn tới xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc được Mỹ ủng hộ hay sẽ thúc đẩy tiến trình hòa giải để tiếp tục duy trì ổn định và phồn vinh trong khu vực hay không.