Theo đài RT (Nga), ông Karl-Heinz Konsgen - Giám đốc lò hoả táng Rhein-Taunus-Krematorium ở Dachsenhausen - nói với tờ Bild của Đức hôm 9/8 rằng cơ sở của ông đã đưa ra giải pháp mới để đối phó với tình trạng thiếu khí đốt trong quá trình hỏa táng.
Cơ sở nằm ở phía tây bang Rhineland-Palatinate nhận thấy rằng việc đốt nóng 8 lò mỗi ngày là quá đắt đỏ, do giá khí đốt tăng vọt do các lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga và lo ngại rằng Moskva có thể cắt hoàn toàn nguồn cung đáp trả.
“Ngoài việc tăng giá 600%, thông báo về giai đoạn cảnh báo trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của Bộ trưởng Kinh tế Đức đang gây ra tình trạng không chắc chắn cho chúng tôi”, ông Konsgen giải thích.
Vào đầu tháng 8, lò hỏa táng này - nơi hoả thiêu hài cốt của gần 35.000 người mỗi năm – đã đốt nóng lò và duy trì nhiệt độ 800 độ C. Do đó, cơ sở này không còn phải lo lắng về hóa đơn khí đốt.
Động thái này có nghĩa là nhân viên của lò hoả táng sẽ phải làm việc cả ban đêm và cuối tuần. Nhưng theo ông Konsgen, đây không phải là vấn đề đối với họ. Ông nói: “Nhân viên của chúng tôi thấu hiểu những khó khăn hiện tại và chấp nhận giờ làm việc mới”.
Vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã kích hoạt mức cảnh báo thứ 2 trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp gồm 3 giai đoạn của nước này vì lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng có thể xảy ra vào mùa đông.
Động thái này yêu cầu tất cả các công ty tham gia thị trường sử dụng khí đốt hiệu quả hơn và nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế. Quốc gia này sẽ chỉ can thiệp và phân bổ khí đốt nếu giai đoạn khẩn cấp cuối cùng của kế hoạch được kích hoạt.