Vụ tấn công bằng tên lửa hành trình kết hợp với drone (máy bay không người lái) vũ trang nhằm vào hai nhà máy sản xuất dầu mỏ tại Saudi Arabia đã chứng minh một sự thật: ngay cả những loại vũ khí công nghệ thấp mà Iran và đồng minh tại Yemen sử dụng cũng có thể dễ dàng qua mặt được mạng lưới phòng không trị giá hàng tỷ USD của Riyadh.
Cuộc tấn công kéo theo sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đã khiến khu vực này choàng tỉnh, nhận ra rằng bất kỳ cuộc xung đột quân sự mở rộng nào ở vùng Vịnh đều sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề cho cả hai bên.
Quan chức Mỹ cáo buộc Iran có liên quan đến vụ tấn công – được cho là vụ tấn công quy mô lớn đầu tiên nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Tuy nhiên, phía Tehran liên tiếp phủ nhận có liên quan.
Theo kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của lực lượng sắc tộc Houthi, các tay súng Houthi tại Yemen đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công. Lực lượng này thông báo đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở lọc dầu của tập đoàn dầu khí Aramco ở Abqaiq và Khurais. Việc gián đoạn sản xuất khiến sản lượng khai thác dầu mỏ của Aramco giảm khoảng 50% sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia và giảm 5% nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.
Giới chuyên gia nhận định hàng tỷ USD mà Saudi Arabia chi cho vũ khí Mỹ đã không thể bảo vệ quốc gia này khỏi cuộc tấn công nhằm vào hai cơ sở sản xuất dầu then chốt trên.
Trong nhiều năm qua, Riyadh là khách hàng thân thiết mua vũ khí Mỹ sản xuất. Mối quan hệ đó ngày một khăng khít hơn sau khi Tổng thống Trump nhậm chức và hối thúc quốc gia dầu mỏ mua thêm vũ khí nước mình.
Tháng 6/2017, Riyadh đạt được thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD với Washington. Năm ngoái, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Saudi Arabia đã chi 65 tỷ USD mua hệ thống radar đời mới nhất, các loại chiến đấu cơ như F-15 và hệ thống tên lửa Patriot.
Vậy điều gì đã khiến cho lưới phòng thủ hiện đại của Saudi Arabia dễ dàng bị vũ khí công nghệ thấp của phiến quân Houthi dễ dàng phá vỡ như vậy?
Theo các chuyên gia, vụ tấn công hôm 14/9 là một hoạt động được lên kế hoạch tỉ mỉ và bất ngờ đến nỗi mà ngay cả những quốc gia có kinh nghiệm và được trang bị vũ khí tốt cũng khó phát hiện và vô hiệu hóa nó. “Đây thực sự là một vụ tấn công không hề có sơ suất nào”, Michael Knights – học giả Viện Washington về Chính sách Cận Đông – phân tích.
"Việc phiến quân Houthi sử dụng máy bay không người lái kết hợp với tên lửa hành trình để tấn công Saudi Arabia đã tìm ra được lỗ hổng trong hệ thống phòng không của quốc gia này. Một sự phối hợp như thế này không phải là điều ai cũng có thể làm được và không phải ai cũng có thể tự bảo vệ mình trước nó", chuyên gia chính sách cấp cao Becca Wasser thuộc Tập đoàn nghiên cứu Rand Corp trả lời hãng tin AFP.
Video các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia bị phá hủy do drone và tên lửa hành trình tấn công (nguồn: SCMP):
Trên thực tế, Saudi Arabia cũng có một vài hệ thống phòng tên lửa có thể ngăn chặn những vật thể tấn công bay ở tầm thấp như drone hay tên lửa hành trình. Chuyên viên nghiên cứu cấp cao Thomas Karako thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết hệ thống tên lửa phòng không Patriot có thể đối phó với các mối đe dọa tương tự. Tuy nhiên, khả năng xử lý còn phụ thuộc vào nơi lắp đặt. “Phạm vị bảo vệ của hệ thống Patriot tương đối nhỏ. Ngay cả khi có nhiều hệ thống Patriot được lắp đặt, vẫn có một vài hạn chế về năng lực phòng vệ”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các cơ sở sản xuất dầu mỏ bị tấn công vào cuối tuần qua có nằm trong phạm vi bảo vệ của hệ thống Patriot hay không.
Để đối phó với các mối đe dọa từ Iran bảo vệ các cơ sở then chốt, Riyadh cũng đã bắt đầu tìm kiếm vũ khí mới từ các quốc gia trong khu vực. Theo ông Karako, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) đang được cân nhắc. Hệ thống do Israel sản xuất này đã bắn hạ thành công các rocket phóng từ Dải Gaza và phía Nam Lebanon. Không chỉ vậy, Saudi Arabia có thể tìm cách nâng cấp hệ thống radar với các bộ phận cảm ứng mới hiện đại hơn có khả năng phát hiện mối đe dọa từ xa.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Vladimir Putin gợi ý rằng Saudi Arabia nên mua hệ thống phòng không S-400 của Nga để tự bảo vệ các cơ sở dầu mỏ trước các tấn công bằng máy bay không người lái.