Trụ sở của Aixtron tại Đức. Ảnh: AFP |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Tài chính Mỹ ngày 3/12 cho biết Tổng thống nước này Barack Obama đã can thiệp để ngăn chặn vụ mua bán trên sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), chỉ ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu Aixtron, nhà sản xuất các thiết bị để chế tạo chip điện tử của Đức, rơi vào tay công ty Trung Quốc.
Aixtron nắm giữ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế tạo chất bán dẫn sử dụng trong đèn LED chiếu sáng, laser và pin năng lượng mặt trời. Phía Mỹ cho rằng những công nghệ này có thể được sử dụng trong các thiết bị quân sự, và coi đây là "mối đe dọa đến an ninh quốc gia" một khi Aixtron rơi vào tay công ty Trung Quốc.
Hồi tháng 10 vừa qua, Chính phủ Đức từng ngăn chặn việc FGC mua Aixtron sau khi phía Mỹ đưa ra cảnh báo về nguy cơ an ninh, nhưng sau đó thương vụ được xem xét trở lại. Trong tháng 9, FGC và Aixtron đã cơ bản thống nhất được mức giá chuyển nhượng là 670 triệu euro (tương đương 715 triệu USD).
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ là cơ quan có nhiệm vụ xem xét các vụ đầu tư từ nước ngoài vào các công ty Mỹ, và đã ngăn nhặn nhiều vụ đầu tư đến từ các công ty Trung Quốc trong những năm qua. Mặc dù là một công ty Đức nhưng Aixtron đang có hoạt động kinh doanh tại Mỹ với khoảng 22% tổng doanh thu, bên cạnh 60% doanh thu đến từ các thị trường ở châu Á. Aixtron được thành lập vào năm 1983, có trụ sở tại thành phố Herzogenrath thuộc bang North Rhine-Westphalia, Đức.
Trả lời phỏng vấn báo chí Đức ngày 4/12, ông Korbinian Wagner - người phát ngôn Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, mặc dù thương vụ mua bán này có thể bị phía Mỹ ngăn chặn song quá trình xem xét vẫn đang được phía Đức tiến hành và các bên phải chờ đợi kết quả.
Trong những năm gần đây, các công ty, quỹ đầu tư của Trung Quốc đã bỏ ra hàng tỷ USD để thâu tóm các công ty tại Mỹ cũng như châu Âu, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, viễn thông...