Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, quyết định của WB đồng nghĩa với việc đóng băng tất cả khoản tài trợ mới cho Tunisia - vốn đang đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Quyết định trên liên quan đến Khung Đối tác quốc gia (CPF) là cơ sở để Ban Giám đốc WB giám sát nhằm đánh giá và hỗ trợ Tunisia trong các chương trình viện trợ. Như vậy, WB không thể khởi động các chương trình hỗ trợ mới với quốc gia này cho đến khi hội đồng quản trị họp, mặc dù các dự án đang triển khai vẫn sẽ được duy trì.
Theo một quan chức của WB, việc đình chỉ tạm thời CPF cho đến khi có thông báo mới đồng nghĩa khó có bất kỳ khoản tài trợ mới nào cho Tunisia đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn và một CPF mới được ký kết.
Nhà kinh tế Ezzeddine Saidane, người Tunisia, nhận định ngay cả khi chỉ là tạm thời, việc đóng băng như vậy có nguy cơ tác động rất xấu đến tình hình tài chính của Tunisia. Ông Saidane cho rằng chính quyền Tunisia cần lấy lại niềm tin của các tổ chức tài chính quốc tế. Tình trạng này càng kéo dài, Tunisia sẽ càng thiệt hại hơn.
Trước đó, ngày 6/3, Chủ tịch WB David Malpass cho biết ngân hàng này đã quyết định đình chỉ một số chương trình hợp tác đã lên kế hoạch tại Tunisia trong bối cảnh những bình luận của Tổng thống nước này Kais Saied liên quan người nhập cư đã gây ra "những hành vi quấy rối và bạo lực mang động cơ phân biệt chủng tộc".
Tunisia, hiện đang gánh khoản nợ tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chủ yếu do ảnh hưởng của hệ thống công vụ vốn phải vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, nước này cũng đang đàm phán khoản vay gần 2 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song các cuộc đàm phán đang thất bại. Ngân sách của Tunisia cho năm 2023 dựa vào các khoản vay 25 tỷ dinar (gần 8 tỷ USD). Thống đốc Ngân hàng trung ương Tunisia Marouane Abassi hồi tháng 1 cảnh báo năm 2023 sẽ rất "phức tạp" đối với nước này trong bối cảnh tăng trưởng yếu, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao mà không có thỏa thuận nhanh chóng với IMF về khoản vay.