Theo đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Stromer tổ chức họp báo trong ngày 1/8 về tình hình an ninh liên quan các hành vi đốt kinh Koran đồng thời thông báo về các biện pháp bảo vệ công dân nước này. Các vụ đốt kinh Koran tiếp diễn trong ngày 31/7 dù chính phủ các nước Thụy Điển và Đan Mạch cho biết đang nghiên cứu các cách thức để có thể hạn chế các hoạt động này một cách hợp pháp, giúp giảm leo thang căng thẳng. Cơ quan tình báo và an ninh (PET) của Thụy Điển nhận định các hành vi đốt kinh Koran dẫn đến gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công.
Hôm 31/7, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã họp phiên bất thường thảo luận về những diễn biến gần đây, lên án mạnh mẽ hành vi đốt kinh Koran. Kết thúc cuộc họp, OIC ra tuyên bố kêu gọi các nước thành viên có hành động chính trị hoặc kinh tế phù hợp tại những nước để xảy ra hành vi báng bổ kinh Koran.
Sau phiên họp của OIC, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom và người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết hai nước sẽ tiếp tục đối thoại với tổ chức gồm 57 thành viên này. Theo ông Billstrom, Thụy Điển sẽ nghiên cứu kỹ các khuyến nghị của OIC.
Trong những tuần gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra tại Đan Mạch và Thụy Điển trong đó người biểu tình đốt hoặc xúc phạm các bản sao chép kinh Koran, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại các nước Hồi giáo cùng những lời kêu gọi chính phủ hai quốc gia này ngăn chặn hành động báng bổ kinh Koran. Một số quốc gia đã triệu đại diện ngoại giao của Đan Mạch và Thụy Điển tới làm việc về vấn đề này.