Đây là dự án có giá trị 30 triệu euro (khoảng 36 triệu USD) và dự kiến kéo dài trong 9 tháng. Ông Martins cho biết việc thi công sẽ không cản trở hoạt động tham quan và khách du lịch vẫn có thể đi lên Tháp Eiffel sau khi qua các trạm kiểm soát an ninh.
Quyết định nâng cấp an ninh tại Tháp Eiffel được đưa ra sau khi thủ đô nước Pháp trở thành mục tiêu của một loạt vụ tấn công khủng bố trong 2 năm trở lại đây làm hơn 200 người thiệt mạng.
Sau vụ tấn công vào văn phòng của tạp chí Charlie Hebdo hồi tháng 1/2015, Paris đã triển khai khoảng 7.000 binh sĩ tuần tra các tuyến phố và bảo vệ các điểm tham quan du lịch, trong đó Tháp Eiffel có một lực lượng cảnh sát tuần tra thường trực. Tuy nhiên, hồi tháng 3, Hội đồng thành phố đã bỏ phiếu nhất trí tăng cường an ninh cho tòa tháp này do "mối đe dọa khủng bố cao đặc biệt".
Bên cạnh mục tiêu an ninh, giới chức thủ đô cũng đang đẩy mạnh nâng cấp Tháp Eiffel để chuẩn bị cho sự kiện Paris đăng cai Olympic 2024. Một dự án sơn lại ngọn tháp 128 năm tuổi sẽ bắt đầu được thi công vào năm 2018 và dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, bên cạnh đó là kế hoạch tái thiết hệ thống thang máy cũng sẽ mất thêm 2 năm nữa.
Dự án xây một trung tâm lễ tân mới sẽ khởi động trong năm 2021 và cũng dự kiến thi công trong 2 năm. Tuy nhiên, ông Martins cho biết chính quyền đã quyết định hủy bỏ kế hoạch gây tranh cãi về xây dựng một trung tâm mua sắm dưới lòng đất.
Với 6-7 triệu lượt khách mỗi năm, Tháp Eiffel là công trình đón nhiều khách tham quan nhất thế giới. Công trình kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản thế giới này là niềm tự hào của nước Pháp và được dành cho ngân sách tu bổ lên tới 300 triệu euro trong 15 năm tới, 50% trong số đó dành để bảo dưỡng.