Những diễn biến gần đây tại Crimea (Crưm) đã khiến nhiều tướng lĩnh về hưu ở Đức kêu gọi áp đặt trở lại luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc bởi lo ngại về vấn đề quân số của nước này nếu nổ ra một cuộc xung đột do NATO đứng đầu.Tướng Đức về hưu Egon Ramms nói trên báo "Hình ảnh" ngày 25/3: "Chúng ta cần áp dụng trở lại luật nghĩa vụ quân sự. Không có cách nào khác để Đức có thể đảm bảo quốc phòng trong tình thế phòng vệ tương hỗ".
Tướng Ramms từng là Tư lệnh Bộ Chỉ huy các lực lượng hỗn hợp NATO giai
đoạn 2007-2010, một trong những vị trí cấp cao nhất trong NATO. Theo ông, lực lượng quân tình nguyện không thể đảm bảo an ninh quốc phòng.
Binh sỹ thuộc quân đội Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Ramms cũng tỏ ý hoài nghi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Đức sau quyết định hồi tháng 7/2011 huỷ bỏ chế độ quân dịch bắt buộc kéo dài 9 tháng.
Không chỉ ông Ramms, Tướng về hưu Harald Kujat, từng là Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Đức (2000-2002) và Chủ tịch Uỷ ban quân sự NATO (2002-2005) cũng lên tiếng kêu gọi áp dụng lại chế độ quân dịch.
Theo ông Patrick Sensburg, chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) và là người từng bỏ phiếu chống lại quyết định huỷ bỏ chế độ quân dịch hồi năm 2011, Đức không có đủ binh sĩ, cũng như những người được đào tạo và cần phải thảo luận về việc tái áp dụng lại chế độ này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng số lượng binh sĩ không phải là yếu tố then chốt. Phát biểu trên báo Rheinische Post, bà nói quân số không phải là điều quan trọng mà là điều quan trọng nhất để có thể bảo vệ đồng minh là kỹ năng của binh lính, kỹ thuật và chiến thuật.
Theo bà, một quân đội hiện đại, có trình độ công nghệ cao là điều cần thiết hiện nay. Bên cạnh đó, Chủ tịch Liên hiệp quân đội Đức André Wüstner cũng bác bỏ những kêu gọi tái áp dụng chế độ quân dịch vì những căng thẳng với Nga, nhấn mạnh rằng cuộc xung đột hiện nay không thể giải quyết bằng quân sự.
Mạnh Hùng