Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tò mò về công việc của con trai mình, bà Cho Mi-hak, 66 tuổi, đã liếc qua điện thoại di động của anh, đọc tin nhắn mà con mình trao đổi với bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên, con trai bà Cho không cần phải lo lắng về việc bị xâm phạm quyền riêng tư vì mẹ của anh sẽ không hiểu được thứ ngôn ngữ mà anh đang sử dụng.
“Không thể tin nổi. Các tin nhắn chứa đầy những từ ngữ lạ lùng, dường như là sự kết hợp của các từ rút gọn hoặc từ kết hợp giữa tiếng Anh và tiếng Hàn”, bà Cho giải thích.
Sau khi tìm hiểu, bà phát hiện ra từ “Bepu” con mình sử dụng có nghĩa là “bạn tốt nhất”, "Ah-Ah" có nghĩa là tên của loại cafe Americano đá, “inssa” là "người trong cuộc" và "assa" là "người ngoài cuộc".
Con trai bà Cho đã sử dụng “Konglish”, chỉ những từ ngữ pha trộn giữa tiếng Hàn và tiếng Anh, đang rất phổ biến ở thế hệ trẻ nhưng gây khó hiểu cho người lớn tuổi.
Konglish đã xuất hiện trong nhiều năm nhưng mối lo ngại về việc sử dụng tràn lan những từ ngữ này gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Điều này đã làm tăng vốn từ vựng, với những từ ngữ bổ sung như “unsact” nghĩa là “thanh toán không tiếp xúc”; “corona blue” nghĩa là trầm cảm liên quan đến đại dịch; “coronomy” để chỉ sự suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Với nhiều thế hệ lớn tuổi, sử dụng “Konglish” giống như việc hủy hoại một thứ ngôn ngữ được coi như niềm tự hào dân tộc. Hàn Quốc đã chọn ngày 9/10 hàng năm để kỷ niệm sự ra đời của Hangul - chữ Hàn Quốc. Đây cũng là một trong 5 quốc lễ ở quốc gia này.
Với quan điểm cho rằng tiếng Hàn chính là một trong những nguồn lực chủ chốt cho “sức mạnh mềm” của nước này trên trường quốc tế, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã lên tiếng trước việc sử dụng “Konglish” tràn lan. Trong một buổi lễ tổ chức mừng 575 năm ngày ra đời của Hangul, Thủ tướng Kim Boo-kyum cam kết chính phủ sẽ hành động để ngăn chặn tình trạng tiếng Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi yếu tố nước ngoài.
“Hàn Quốc không thể lọt vào nhóm 10 nền kinh tế mạnh nhất thế giới nếu thiếu đi sự đóng góp của tiếng Hàn. Chính nhờ ngôn ngữ này, K-pop (âm nhạc Hàn Quốc) và Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc), đã nhận được tình yêu từ khắp nơi trên thế giới”, ông Kim nói. “Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để hạn chế việc dùng các từ nước ngoài và sẽ cố gắng chuyển đổi nó thành các từ Hàn Quốc dễ nhớ"”, Thủ tướng Hàn Quốc cho biết.
Ảnh hưởng của của K-pop và K-drama (phim điện ảnh Hàn Quốc), với sức hút từ những bộ phim nổi tiếng gần đây của nước này như Squid Game (Trò chơi Con mực), đã thúc đẩy sự quan tâm của công chúng quốc tế đến văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Thậm chí, từ điển tiếng Anh Oxford năm nay đã bổ sung thêm 26 từ ngữ tiếng Hàn mới, bao gồm Hallyu; mukbang (video phát trực tiếp một người vừa ăn uống vừa trò chuyện với khán giả); chimaek (gà rán nhắm bia trong bữa tối ở nhà hàng Hàn Quốc,) và bulgogi (thịt nướng tẩm ướp gia vị kiểu Hàn Quốc).
Trong khi đó, các biển hiệu trên khắp các phố mua sắm và cửa hàng bách hóa ở Hàn Quốc ngày càng sử dụng nhiều tiếng Anh và tiếng Pháp. Thậm chí, có biển hiệu còn viết sai chính tả, nhiều hướng dẫn trên máy bán hàng tự động cũng thường viết bằng tiếng Anh.
Trong khi xu hướng chèn tiếng Anh vào tiếng mẹ đẻ ở một số quốc gia được chấp thuận một cách cởi mở, thì ở Hàn Quốc, nhiều người thuộc thế hệ cũ, vốn rất tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình, đã tỏ ra không hài lòng với việc sử dụng thứ ngôn ngữ này.
Bà No Bo-kyun, 69 tuổi phàn nàn: “Nhiều người trẻ tuổi đã bỏ qua các quy tắc về chính tả và sử dụng bừa bãi các từ lóng theo ý thích. Nếu như vậy, việc tổ chức ngày ngôn ngữ Hàn Quốc là quốc lễ còn có ý nghĩa gì?”
Ông Kim Seoncheol, một quan chức cấp cao tại Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc, cho biết hiện tượng sử dụng “Konglish” đang được giới trẻ thúc đẩy trên mạng xã hội.
“Họ nghĩ nó sẽ rất vui và thú vị khi dùng từ như vậy. Nhưng thật đáng tiếc khi họ sử dụng những từ ngữ tiếng Anh vô lý hoặc không chính xác thay vì những từ Hàn Quốc thuần túy và đẹp đẽ. Không thể bắt buộc mọi người sử dụng tiếng Hàn, nhưng tôi hy vọng người Hàn Quốc hãy từ bỏ việc sử dụng một cách thiếu thận trọng các từ nước ngoài và nhận ra những kho báu mà họ đã được kế thừa từ tổ tiên dưới dạng một ngôn ngữ đẹp đẽ và bảng chữ cái hoàn hảo”, ông Kim nói.
Tuy nhiên, không chỉ người lớn tuổi, mà người trẻ tuổi ở Hàn Quốc cũng gặp phải vấn đề với các từ “Konglish”. Cô Hyun Ye-rim, 24 tuổi, chia sẻ: “Tôi mới ngoài 20 mà thỉnh thoảng không hiểu được giới trẻ đang nói gì”.
Song cô Hyun cho rằng người lớn tuổi không cần phải lo lắng quá nhiều vì cô tin rằng người trẻ sẽ từ bỏ những từ ngữ như vậy, giống như cách mà cô đã nhanh chóng từ bỏ chúng: “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên để những người trẻ nói theo cách họ thích vì họ làm điều này để chia sẻ cùng những người bạn của mình”.