Trong một tuyên bố, Nhóm Chuyên gia kỹ thuật (TEG) của Ủy ban châu Âu (EC) gồm 35 thành viên là các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia chính sách khí hậu, cho rằng các quy định "xanh" mà nhóm này soạn thảo theo đề nghị của EC có thể được sử dụng để xây dựng các kế hoạch kích thích kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Hiện TEG cũng đang vạch ra tiêu chuẩn về "trái phiếu xanh" cho EU và một khuôn khổ để đánh giá liệu các công cụ tài chính, hợp đồng hay các quỹ đầu tư có phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay không.
Trái phiếu xanh, được Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành lần đầu tiên cách đây 10 năm, là một trong những kênh gọi vốn hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều nước trên thế giới.
EC có kế hoạch vào năm 2021 sẽ công bố các quy định, trong đó xác định cụ thể những hoạt động đầu tư nào được coi là thân thiện với môi trường. Các quy định này sẽ buộc các thể chế cung cấp các sản phẩm tài chính phải công khai các khoản đầu tư đáp ứng được các tiêu chí "phân loại tài chính bền vững" của EU.
Tuần trước, các bộ trưởng khí hậu và môi trường của 13 nước thành viên EU đã kêu gọi EC sử dụng "Thỏa thuận Xanh" làm lộ trình cho kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện của liên minh sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Các bộ trưởng nhấn mạnh rằng "Thỏa thuận Xanh" đem đến cho EU những lựa chọn tốt trong việc đối phó với khủng hoảng kinh tế.
Hiện châu Âu đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19 khiến các nước phải áp dụng biện pháp phong tỏa, ngừng hầu hết các hoạt động đi lại, đóng cửa các hoạt động kinh doanh và cơ sở giáo dục. Trong bối cảnh một số nước EU bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, hiện liên minh vẫn chia rẽ về cách thức hỗ trợ phục hồi kinh tế.