Ngày 9/6, bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cảnh báo rằng Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với "phản ứng mới" không xác định nếu tiếp tục thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng và sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền qua biên giới.
Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết họ đã phát hiện dấu hiệu Triều Tiên lắp đặt loa phóng thanh ở khu vực gần biên giới nhưng chưa kích hoạt thiết bị này.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào năm 2016 từng nhận định loa phóng thanh là "hình thức chiến tranh tâm lý hiệu quả nhất".
Có tới 24 loa công suất cao được xếp chồng lên nhau trên các giá cố định lớn cao 6 mét và rộng 3 mét đặt ở các vị trí khác nhau ở phần thuộc lãnh thổ Hàn Quốc tại biên giới với Triều Tiên. Một số bộ loa khác có thể di động và gắn trên xe tải.
Quân đội Hàn Quốc vận hành hệ thống loa và các chương trình phát sóng. Ở công suất tối đa, loa phát giọng nói và âm nhạc vang xa hơn 20 km vào Triều Tiên, đủ xa để đến được với binh sĩ và người dân thường.
Quân đội Hàn Quốc gọi các chương trình phát thanh ở biên giới này là “Tiếng nói của Tự do” với bốn chủ đề chính: tính ưu việt của nền dân chủ tự do, lịch sử thành công kinh tế của Hàn Quốc, lý lẽ cho việc thống nhất hai miền và thực tế xã hội Triều Tiên.
Ngoài ra, các loa phóng thanh này cũng phát tin tức quốc tế, bình luận về hệ thống chính trị và nhà lãnh đạo Triều Tiên, dự báo thời tiết xen lẫn với các bài hát K-pop…
Triều Tiên coi những lời chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một số chương trình phát thanh của quân đội Hàn Quốc ở biên giới là cuộc tấn công chống lại “nhân phẩm tối cao”.
Tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình năm 2018, vấn đề loa phóng thanh đã xuất hiện trong tuyên bố chung được ký bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in. Trong tuyên bố, các chương trình phát thanh của quân đội Hàn Quốc được coi là một "hành động thù địch" và Seoul cam kết ngừng hoạt động đồng thời tháo dỡ loa.